Multimedia Đọc Báo in

Dự phòng lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con

08:42, 19/06/2016

Sự lây truyền HIV trong thời kỳ mang thai xảy ra rất sớm, ngay khi người mẹ mang thai mới được 8 tuần và có thể kéo dài trong suốt thai kỳ.

Tuy nhiên, các nghiên cứu nhận thấy tỷ lệ lây truyền HIV qua nhau thai cao vào thời kỳ tuổi thai được trên 18 tuần. HIV cũng được tìm thấy trong gan, não của bào thai 13 tuần tuổi từ những bà mẹ nhiễm HIV. Một số trẻ sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV đã có các rối loạn miễn dịch, đặc biệt là sự bất thường về số lượng tế bào CD4 (tế bào bạch cầu lympho hỗ trợ đóng vai trò tổ chức hoạt động cho hệ thống miễn dịch chống lại sự tấn công của vi khuẩn, vi-rút và nấm) đã cho thấy có sự lan truyền HIV rất sớm từ mẹ sang con.

Sự lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể xảy ra trong suốt thời kỳ mang thai qua bánh nhau. Khi bánh nhau bị nhiễm khuẩn (làm tổn hại đến vách ngăn này) hoặc bề dày của bánh nhau mỏng đi vào nửa sau của thai kỳ, vi-rút HIV tự do nằm trong các tế bào dễ dàng di chuyển qua vào thai nhi. Khoảng 20- 30% số trẻ em bị lây truyền HIV từ mẹ được cho là bị lây truyền qua bánh nhau.

Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tổ chức truyền thông  phòng chống HIV cho phụ nữ.
Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tổ chức truyền thông phòng chống HIV cho phụ nữ.

Sự lây truyền HIV từ mẹ sang con còn có thể xảy ra trong thời kỳ chuyển dạ. Nguyên nhân khi đứa trẻ “đi qua” đường sinh dục của mẹ để ra ngoài đã tiếp xúc trực tiếp với dịch âm đạo (nước ối, vi-rút trong máu và dịch âm đạo của mẹ có chứa HIV)  hoặc do sự trao đổi máu mẹ - thai nhi khi chuyển dạ (ở giai đoạn này các cơn co tử cung của mẹ có thể “bơm mạnh” máu mẹ chứa HIV vào tuần hoàn của thai nhi làm cho trẻ dễ bị nhiễm HIV từ mẹ). Có khoảng 50- 60% số trẻ em bị lây truyền HIV trong giai đoạn này. Nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con trong khi sinh sẽ tăng lên trong trường hợp đẻ khó, chuyển dạ kéo dài, phần mềm của người mẹ bị tổn thương, thai bị xây xước, sang chấn... Thời gian từ khi vỡ ối đến khi sinh càng dài thì nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con càng cao, nhất là khi thời gian này trên 4 giờ. Các nghiên cứu cho thấy, cứ mỗi giờ sau khi vỡ ối, nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con tăng thêm 2%. Nghiên cứu các trẻ sinh đôi, sinh ba... của các bà mẹ bị nhiễm HIV cho thấy, đứa trẻ sinh ra trước thường có nguy cơ bị nhiễm HIV cao hơn đứa trẻ sinh ra sau do đứa trẻ ra trước tiếp xúc trực tiếp với nhiều dịch tiết âm đạo có chứa HIV của mẹ nhiều hơn. Sau khi sinh, trẻ vẫn có thể nhiễm HIV trong quá trình bú sữa mẹ, vì lúc này vi-rút HIV dễ dàng truyền sang cơ thể bé qua các vết nứt ở núm vú của người mẹ, khi trẻ đang mọc răng, bị tổn thương ở niêm mạc miệng hay HIV trong sữa mẹ có thể lây sang con khi bú. Thời gian bú mẹ càng dài, trẻ càng có nhiều nguy cơ nhiễm HIV hơn.

Phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, tất cả phụ nữ mang thai cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn và tiến hành xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt, nếu có kết quả dương tính cần được theo dõi liên tục và can thiệp đúng quy trình nhằm làm giảm tới mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm HIV cho trẻ sinh ra. Với những phụ nữ mang thai nhiễm HIV, nếu tình trạng lâm sàng và miễn dịch còn tốt, sẽ được tiến hành điều trị dự phòng bằng thuốc đặc hiệu liên tục cho đến khi chuyển dạ sinh và trong khi sinh. Với những phụ nữ chưa tiếp cận các can thiệp trước sinh, cần tư vấn xét nghiệm nhanh HIV, nếu dương tính thì sử dụng phác đồ điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tránh các can thiệp như bấm ối, forcep, cắt tầng sinh môn…, cân nhắc chỉ định mổ lấy thai, nhanh chóng lau sạch máu và sản dịch cho trẻ sơ sinh.

Sau khi sinh, các bà mẹ cần được tư vấn về những lợi ích và nguy cơ lây nhiễm HIV khi cho trẻ bú. Tốt nhất là nuôi trẻ bằng sữa thay thế nếu có điều kiện. Trường hợp không có điều kiện sử dụng sữa thay thế, hướng dẫn người mẹ cho bú hoàn toàn trong thời gian đầu, sau đó cai sữa sớm chuyển ăn dặm ngay khi có thể để giảm nguy cơ lây truyền HIV cho trẻ. Trẻ sẽ được giới thiệu và chuyển gửi tới các phòng khám ngoại trú cho trẻ em để theo dõi và điều trị.

 Nguyễn Công Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.