Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực đổi mới, hướng tới sự hài lòng của người bệnh

10:49, 01/09/2016

Thực hiện Đề án “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng người bệnh”của Bộ Y tế, thời gian qua, ngành Y tế đã và đang có những giải pháp cụ thể để xây dựng hình ảnh đẹp của cán bộ y tế, từ đó đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh, đem lại sự hài lòng cho bệnh nhân…

Xây dựng môi trường thân thiện, thủ tục nhanh gọn

Hiện nay, tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh, mỗi nội dung của Đề án “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” đều được xem là một trong những nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng bệnh viện. Điển hình như tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ngoài việc bố trí phòng ốc thông thoáng, có biển hướng dẫn rõ ràng, để tránh tình trạng bệnh nhân chen lấn khi đăng ký khám bệnh, bệnh viện còn lắp đặt hệ thống tự động gọi tên bệnh nhân; sử dụng hệ thống phần mềm quản lý tại tất cả các khoa phòng; cắt giảm nhiều thủ tục hành chính không cần thiết để tạo thuận lợi cho người bệnh. Cùng với đó, bệnh viện đã tổ chức cho 100% cán bộ, nhân viên tham gia ký kết thực hiện quy tắc ứng xử đúng chuẩn mực, tác phong theo quy định; mở lớp tập huấn kỹ năng giao tiếp cho toàn thể cán bộ, nhân viên; xây dựng hòm thư góp ý, đường dây nóng hoạt động 24/24 giờ để tiếp nhận góp ý của người bệnh, người nhà bệnh nhân khi đến khám chữa bệnh... Những giải pháp này đã giúp bệnh viện thực hiện khám bệnh nhanh hơn, hiệu quả hơn, giảm bớt phiền hà, thời gian chờ đợi cho người bệnh, nâng cao tinh thần trách nhiệm làm việc của đội ngũ cán bộ y bác sĩ và nhận được nhiều lời cảm ơn, khen ngợi của người bệnh. Hay tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh, không chỉ gây ấn tượng bởi môi trường không gian sạch sẽ, thân thiện, thủ tục nhanh gọn, mà còn bởi phong cách, thái độ phục vụ bệnh nhân ngay từ khâu đón tiếp, hỗ trợ người bệnh hoàn tất thủ tục nhập viện, ra viện hoặc chuyển tuyến. Mục tiêu mà đơn vị này hướng đến là chăm sóc khách hàng một cách toàn diện, ngay cả khi bệnh nhân xuất viện, bệnh viện cũng sẽ tiếp tục kết nối thông tin, thăm hỏi sức khỏe, nhắc lịch tái khám...

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ khám bệnh cho người dân.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ khám bệnh cho người dân.

Theo thống kê của Sở Y tế, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 13/20 bệnh viện thành lập các đơn vị chăm sóc khách hàng tại khoa Khám bệnh; 100% bệnh viện duy trì, củng cố hòm thư góp ý; đặc biệt, một số cơ sở khám chữa bệnh đã thành lập phòng công tác xã hội để hỗ trợ người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế nhằm giải quyết những vấn đề xã hội và tâm lý liên quan đến bệnh tật và quá trình khám chữa bệnh… Chia sẻ về hiệu quả bước đầu của Đề án, bác sĩ CKII Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Các đơn vị y tế, nhất là các bệnh viện trên địa bàn đã từng bước xây dựng phong cách, thái độ phục vụ văn minh, thân thiện. Tại khoa khám bệnh của các bệnh viện đã giảm hẳn tình trạng lộn xộn do quá tải, người bệnh không phải chờ đợi mất nhiều thời gian vì đã có cán bộ của bệnh viện hướng dẫn cụ thể, quy trình khám bệnh được thực hiện liên hoàn nhờ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, theo dõi hoạt động khám chữa bệnh. Và như vậy, niềm tin của người bệnh đối với cơ sở y tế cũng ngày một tăng lên”. Kết quả khảo sát sự hài của người bệnh nội trú trong 6 tháng đầu năm 2016 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho thấy: có đến 94,7% bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hài lòng khi tiếp cận với mô hình của bệnh viện; 88% hài lòng với thủ tục khám bệnh, điều trị; 66,7% hài lòng với cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ người bệnh; trên 91% hài lòng với thái độ ứng xử, năng lực chuyên môn của nhân viên y tế…

Đầu tư nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Ngoài việc xây dựng môi trường thân thiện, giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh còn chú trọng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để đáp ứng nhu cầu của người dân ngày một tốt hơn. Đơn cử như tại Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Năng, Ban lãnh đạo đơn vị đã thường xuyên cử bác sĩ theo học các lớp đào tạo dài hạn, ngắn hạn, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật mới, khó từ bệnh viện tuyến trên để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ y bác sĩ nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Qua đó, bệnh viện đã có một đội hình cán bộ y tế tương đối mạnh, giải quyết được nhiều bệnh lý theo phân tuyến kỹ thuật và vượt tuyết, đặc biệt là phẫu thuật, cấp cứu ngoại khoa và sản khoa. Cùng với đó, để nâng cao chất lượng điều trị theo yêu cầu, bệnh viện đã xây dựng quy trình tiếp đón người bệnh từ phòng khám đến khoa điều trị; trang bị hệ thống bốc số tự động, mở rộng khu chờ khám bệnh, tăng cường bàn khám và nhân lực trong giờ cao điểm; thành lập Hội đồng quản lý chất lượng bệnh viện, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, bình bệnh án, bình đơn thuốc, đánh giá chất lượng điều trị; xây dựng quy định, quy trình chuyên môn chăm sóc người bệnh, tóm tắt phác đồ điều trị để bệnh nhân theo dõi giám sát…

Có thể thấy, những giải pháp phù hợp, sát với thực tế nói trên đã mở ra trang mới ngành Y tế tỉnh nhà trên hành trình phát triển, tạo điều kiện cho người dân được hưởng thụ các dịch vụ y tế có chất lượng cao. Đặc biệt, thông qua đó đã xây dựng hình ảnh bệnh viện thực sự là điểm đến đáng tin cậy và từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân trên địa bàn.

 Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.