Phương pháp mới điều trị bệnh động mạch vành
Bệnh động mạch vành là một trong những bệnh lý về tim mạch nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao. Ở nhiều cơ sở y tế, việc đáp ứng cấp cứu căn bệnh này rất hạn chế nên hầu hết đều phải chuyển lên tuyến trên khiến thời gian vàng để cứu sống bệnh nhân bị ảnh hưởng. Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai phương pháp mới trong điều trị bệnh động mạch vành; qua đó đã cấp cứu thành công cho nhiều bệnh nhân bị mắc căn bệnh này.
Hệ thống động mạch vành bao gồm động mạch vành trái và động mạch vành phải được chia thành nhiều nhánh nhỏ có nhiệm vụ mang máu đến nuôi tim. Khi một hay nhiều nhánh của động mạch vành bị hẹp hoặc tắc sẽ khiến cho quá trình dẫn máu đến cơ tim bị giảm sút, gián đoạn, cơ tim không nhận đủ oxy gây nên hiện tượng mệt mỏi, khó thở, đau ngực, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và lao động hằàng ngày. Nguyên nhân ban đầu của căn bệnh này là do lòng động mạch bị tổn thương. Những tổn thương này thường xuất phát từ thói quen hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu hoặc mắc các bệnh mạn tính như cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu… Theo thời gian, quá trình xơ vữa động mạch khiến cho lòng mạch bị thu hẹp, thậm chí bị tắc gây ra hiện tượng đau thắt ngực, suy tim và nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cấp, đe dọa tử vong. Triệu chứng đặc trưng nhất của bệnh là đau ngực, đau thắt ngực dữ dội, kèm theo hiện tượng khó thở, hồi hộp, chóng mặt… Ông Nguyễn Văn Hùng (53 tuổi, buôn Ea Lê, thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo) vừa trải qua cơn “thập tử nhất sinh”. Trước đó, cảm thấy đau nhói ở ngực, cơn đau xuất hiện từng cơn rồi lại hết nên ông Hùng không đến bệnh viện, mãi đến ngày thứ ba khi những biểu hiện đau thắt ngực trở nên dữ dội hơn thì ông mới đến Bệnh viện Đa khoa huyện Ea H’leo khám và được chuyển ngay lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng mê man, tri giác kém. Tại đây, ông được chẩn đoán bị bệnh nhồi máu cơ tim cấp. Sau khi được các bác sĩ cấp cứu, tiến hành nong và đặt stent động mạch vành kịp thời, ông Hùng đã thoát khỏi cơn nguy kịch. Đến nay sau một tuần điều trị, sức khỏe của ông Hùng đã ổn định, có thể ăn uống và đi lại bình thường. Tương tự, ông Ngô Văn Hùng (50 tuổi, trú tại huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) cũng bị nhồi máu cơ tim cấp khi đang làm việc. Ông nhanh chóng được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk. Sau khi được can thiệp tim mạch kịp thời, sức khỏe của ông đã trở lại bình thường.
Siêu âm tim cho bệnh nhân được đặt stent động mạch vành tại Khoa Cấp cứu và Can thiệp tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk). |
Các bác sĩ tại khoa Cấp cứu và Can thiệp tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk) cho biết cả hai bệnh nhân trên đều bị bệnh động mạch vành nguy hiểm, đe dọa sự sống. Trước đây, những trường hợp như thế này đều phải chuyển tuyến trên, song do thời gian vàng để cấp cứu cho bệnh nhân từ khi phát bệnh không quá 6 giờ, việc chuyển tuyến lại mất nhiều thời gian nên nguy cơ tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề là rất cao. Hiện có ba phương pháp chính để điều trị căn bệnh này là điều trị nội khoa, can thiệp động mạch vành và phẫu thuật. Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thiện Ái, Trưởng Khoa Cấp cứu và Can thiệp tim mạch cho biết, can thiệp động mạch vành bằng thủ thuật đặt stent trong lòng động mạch được đánh giá là một biện pháp hữu hiệu với tỷ lệ thành công trên 90%, giúp cải thiện đáng kể sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Stent là một khung kim loại có kích thước rất nhỏ, khoảng 3 mm, được đặt vào lòng động mạch để giữ cho nó không bị hẹp lại, từ đó việc cung cấp máu từ động mạch đến cơ tim sẽ được thông suốt. Trong trường hợp cấp cứu, động mạch vành quá hẹp hoặc bị tắc thì sẽ được nong và đặt stent, còn đối với những bệnh nhân thông thường thì được chỉ định đặt stent khi động mạch vành hẹp quá 70%. Ngoài điều kiện đó, người bệnh chỉ cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ điều trị. Sau khi đặt stent, bệnh nhân cần phải uống thuốc đúng liều và tái khám mỗi tháng một lần cho đến hết cuộc đời; đồng thời hạn chế lao động quá sức, từ bỏ rượu bia, thuốc lá và quan trọng nhất là hạn chế được nguy cơ gây ra bệnh mạch vành như cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu… Cùng với việc áp dụng một lối sống khoa học, người bệnh có thể giữ được sức khỏe và tuổi thọ như người bình thường.
Bác sĩ Nguyễn Thiện Ái cũng cho biết những triệu chứng ban đầu của bệnh động mạch vành khá mơ hồ, có thể chỉ là những cơn đau ngực ngắn ở một số thời điểm khác nhau nên hầu hết người bệnh đều bỏ qua. Do đó, biện pháp tốt nhất là nên khám sức khỏe định kì 6 tháng hoặc một năm một lần, đặc biệt ở nam giới trên 50 tuổi và nữ giới trên 55 tuổi. Khi có biểu hiện đau thắt ngực dữ dội thì cần đến cơ sở y tế chuyên khoa càng nhanh càng tốt để được can thiệp tim mạch kịp thời, bảo toàn sức khỏe. Ngoài ra, mỗi người cần có một lối sống lành mạnh, hạn chế sử dụng những chất kích thích như rượu bia, thuốc lá và thức ăn nhanh; thường xuyên vận động, thể dục thể thao; giảm lượng muối trong chế độ ăn, ăn nhiều rau, củ, quả; không hút thuốc lá.
Hiện tại Khoa Cấp cứu và Can thiệp tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã được trang bị đầy đủ các thiết bị máy móc hiện đại cùng đội ngũ cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao đáp ứng nhu cầu cấp cứu và điều trị bệnh động mạch vành, tạo điều kiện cho người dân được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại địa phương, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người bệnh và tiết kiệm chi phí điều trị nếu phải chuyển tuyến.
Thu Huế - Quang Nhật
Ý kiến bạn đọc