Hiệu quả chữa bệnh bằng phương pháp châm cứu trong y học cổ truyền
Nếu như thế mạnh của y học hiện đại là sử dụng các loại máy móc, trang thiết bị tiên tiến nhằm giúp các bác sĩ chẩn đoán đúng bệnh và cấp cứu điều trị kịp thời những trường hợp cấp tính thì trong y học cổ truyền, chữa bệnh bằng phương pháp châm cứu không dùng thuốc lại mang đến những hiệu quả bất ngờ đối với bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính hoặc di chứng do tai biến để lại. Vì vậy, phương pháp châm cứu đã trở thành sự lựa chọn của nhiều người bệnh…
Châm cứu là hai phương pháp chữa bệnh hoàn toàn khác nhau: Châm tức là dùng kim châm vào các huyệt đạo trên cơ thể để kích thích khí huyết lưu thông; cứu là dùng sức nóng của ngải cứu để tác động lên huyệt. Kết hợp giữa hai phương pháp này để chữa bệnh sẽ giúp lập lại cân bằng âm dương, làm giảm đau, phục hồi chức năng vận động và điều hòa nội tiết tố trong cơ thể.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thúy, Trưởng Khoa Châm cứu Dưỡng sinh (Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh) cho biết, với đội ngũ cán bộ lâm sàng có kiến thức, trình độ, máy móc hiện đại hỗ trợ, Khoa Châm cứu Dưỡng sinh (Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh) đã kết hợp y học hiện đại với y học dân tộc trong châm cứu nên đã chữa được hầu hết các bệnh lý, kể cả những bệnh được coi là nan y. Rất nhiều bệnh nhân sau khi điều trị bằng phương pháp châm cứu, sức khỏe đã cải thiện rõ rệt và có niềm tin vào phương pháp chữa bệnh này.
Một bệnh nhân đang được châm cứu tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. Ảnh: Đ. Thi |
Trường hợp của anh Nguyễn Huy Thái (27 tuổi, ở xã Ea Kly, huyện Krông Pắc) là một ví dụ. Anh Thái nhập viện tại Khoa Châm cứu Dưỡng sinh trong tình trạng bị liệt nửa người do di chứng của chấn thương sọ não. Sau khi theo dõi và thăm khám, các bác sĩ đã điều trị bằng phương pháp châm cứu kết hợp xoa bóp, bấm huyệt, luyện tập phục hồi chức năng để phục hồi tình trạng liệt cho bệnh nhân và sau 20 ngày điều trị tình trạng bệnh của anh Thái đã cải thiện rõ rệt. Anh Thái chia sẻ: “Tôi cứ nghĩ mình sẽ không bao giờ đi lại được nữa, vậy mà chỉ điều trị thời gian ngắn tôi đã có thể đứng được, tay chân cử động khá tốt. Hy vọng sau khi điều trị hết lộ trình, tôi có thể đi lại bình thường”. Còn bà Trần Thị Thu Vân (52 tuổi, ở xã Ea Sol, huyện Ea H’leo) bị thoái hóa gối chân, gai gối, trật khớp vai từ 3 năm nay, đã điều trị bằng tây y nhưng tình trạng bệnh không được cải thiện. Từ khi châm cứu tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, từ chỗ không thể đi lại được, đến nay bà Vân có thể tự vận động, đi lại và làm các công việc nhẹ nhàng trong nhà.
Ngoài hai trường hợp trên, nhiều người mắc các bệnh khác, như: đau đầu, mất ngủ, rối loạn tiền đình, cơ thể suy nhược, đau lưng, thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống, đau dây thần kinh tọa, bại liệt trẻ, viêm quanh khớp vai, đau vai gáy, đau dây thần kinh liên sườn… cũng tìm đến phương pháp châm cứu để chữa bệnh. Vì thế, hiện nay số lượng bệnh nhân đến Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh chữa bệnh bằng phương pháp này khá đông, với trung bình hơn 100 bệnh nhân mỗi tháng. Năm 2016, Khoa Châm cứu Dưỡng sinh đã điều trị cho khoảng trên 1.300 lượt bệnh nhân. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thúy, hầu hết các bệnh nhân sau khi nhập viện điều trị theo phác đồ bài bản, khoa học bằng các phương pháp đông tây y kết hợp, như: điện châm, thủy châm, mãng châm, xoa bóp, bấm huyệt, chườm bằng lá ngải cứu cho đến các bài tập vận động trên máy nên hầu hết tình trạng bệnh đều thuyên giảm. Riêng với trẻ em, đây là phương pháp chữa bệnh không gây biến chứng, không rủi ro trong quá trình điều trị nên các bệnh như: bại não, động kinh, dị ứng do viêm não, viêm màng não, bại liệt, câm điếc… đều được khuyến khích lựa chọn phương pháp châm cứu để chữa bệnh.
Tuy nhiên, bác sĩ Thúy cũng cho biết thêm: châm cứu có thể chữa được nhiều bệnh song thời gian điều trị bệnh lâu hay nhanh tùy vào từng bệnh cũng như sự kiên trì của bệnh nhân. Để điều trị bằng phương pháp châm cứu hiệu quả, các bệnh nên được khám tây y để xác định rõ nguyên nhân rồi kết hợp đông y để chữa trị thì mới hiệu quả.
Mỹ Hạnh
Ý kiến bạn đọc