Multimedia Đọc Báo in

Cảnh báo nguy cơ ngộ độc do sử dụng thức ăn từ côn trùng

07:00, 19/03/2017

Cũng như nhiều nước trên thế giới, ở Việt Nam người ta thường sử dụng các loại côn trùng như cào cào, châu chấu, nhộng tằm, dế, ong, mối, nhộng ve sầu… làm món ăn.

Côn trùng được chế biến thành nhiều món rất đa dạng như: trứng kiến xào nấm, bọ cạp nướng, bọ xít nướng, nhộng ong, châu chấu sốt sa tế, bọ xít rang lá chanh, trứng cà cuống phơi khô để làm bánh ngọt, dế chiên… Tuy nhiên, việc sử dụng côn trùng để chế biến thành thức ăn đã và đang xuất hiện nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của người ăn.

Gần đây, tại một số địa phương đã xảy ra các vụ ngộ độc do sử dụng côn trùng làm thức ăn, như các vụ ngộ độc do ăn bọ xít rang tại Sơn La, ngộ độc do ăn bọ xít lửa tại Hòa Bình hay ngộ độc do ăn sâu ban miêu tại Lào Cai... Nguyên nhân các vụ ngộ độc trên là do sử dụng côn trùng đã chết sinh ra độc tố, côn trùng bị nhiễm nấm độc, côn trùng chứa nhựa cây độc như cây cọc rào, cây cỏ lào, thầu dầu tía… hoặc các độc tố không bị phá hủy ở nhiệt độ chế biến, côn trùng có nhiều protein lạ gây ra dị ứng với những người có cơ địa mẫn cảm. Bà Lê Thị Thanh Mai, Phó trưởng Phòng Truyền thông – Quản lý ngộ độc thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: “Các dấu hiệu thường gặp trong các vụ ngộ độc do ăn côn trùng là: buồn nôn, nôn, run tay chân, một số trường hợp nặng nôn nhiều, chóng mặt, cứng hàm, khó thở, hôn mê, sẩn ngứa, nổi mảng đỏ toàn thân.... Biểu hiện nhiều hay ít, nhẹ hay nặng tùy theo độc tố trong côn trùng, số côn trùng mỗi người ăn vào và tùy theo cơ địa người ăn”.

Dế chiên giòn – một món ăn được nhiều người ưa chuộng.
Dế chiên giòn – một món ăn được nhiều người ưa chuộng.

Việc thiếu hiểu biết trong lựa chọn, sơ chế, chế biến côn trùng làm thức ăn, tâm lý chủ quan khi lựa chọn côn trùng để chế biến như ăn tái, ăn sống, ngâm rượu … đã và đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ngộ độc và thậm chí gây ra tử vong cho người ăn. Không chỉ bị ngộ độc khi ăn côn trùng mà khi tham gia bắt côn trùng cũng có thể gặp một số nguy hiểm như rắn cắn, trượt chân té ngã, điển hình như trường hợp anh Nguyễn Huy Phòng (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) bị ngã xuống giếng tưới trong vườn nhà dân trong lúc đi bắt dế mèn về làm mồi nhậu, khiến phải nằm bệnh viện cả tháng trời vì chấn thương vùng đầu, gãy tay.

Để không xảy ra những trường hợp đáng tiếc ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo: Tuyệt đối không sử dụng các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ, đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành thức ăn; lựa chọn những loại nhộng, ấu trùng, côn trùng thông thường, phổ biến, còn tươi sống để chế biến thành thức ăn, đặc biệt những người có cơ địa dị ứng cần thận trọng khi ăn, nếu nghi ngờ thì không ăn; trong trường hợp sau khi ăn mà có các biểu hiện, triệu chứng khác thường như mệt mỏi, choáng váng, buồn nôn, mẩn ngứa, đau bụng, rối loạn tiêu hóa… cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.    

Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.