Đẩy mạnh truyền thông phòng chống sốt rét ở xã Cư Kbang
Những năm về trước, xã Cư Kbang là một trong những địa phương có số ca bệnh sốt rét cao nhất của huyện Ea Súp. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, nhờ đẩy mạnh truyền thông về phòng chống sốt rét trong nhân dân, tỷ lệ mắc sốt rét trên địa bàn xã đã giảm đáng kể.
Theo điều dưỡng Trương Thị Nhung, Phó Trưởng Trạm Y tế xã Cư Kbang, những năm trước, tình hình bệnh sốt rét của xã Cư Kbang diễn ra tương đối phức tạp. Đối tượng mắc sốt rét tập trung chủ yếu ở nhóm đi rừng, ngủ rẫy, dân di cư từ nơi khác chuyển đến khá nhiều và hầu hết họ sống ở vùng sâu, vùng xa, thậm chí có nhiều hộ sống luôn trong rừng. Điều đáng nói những đối tượng này hầu như không có kiến thức và biện pháp thực hành phòng bệnh sốt rét khiến tỷ lệ mắc sốt rét ở xã luôn gia tăng, rất khó kiểm soát.
Để khắc phục những khó khăn và hạ thấp tỷ lệ mắc sốt rét tại địa phương, Trạm Y tế xã Cư Kbang đã đẩy mạnh công tác truyền thông phòng chống sốt rét bằng nhiều hình thức: cử cán bộ xuống tận thôn, buôn kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh, hướng dẫn nhân viên y tế thôn, buôn tuyên truyền cho người dân về cách phòng chống sốt rét; giải thích cho người dân lợi ích của việc thường xuyên ngủ màn tẩm hóa chất; cấp thuốc tự điều trị sốt rét và hướng dẫn sử dụng cho tất cả các đối tượng đi rừng, ngủ rẫy, dân di biến động vào vùng sốt rét trọng điểm. Đồng thời, phối hợp với các, ban, ngành, đoàn thể của xã và trưởng các thôn, buôn tổ chức tuyên truyền về phòng chống bệnh sốt rét lồng ghép trong các buổi họp thôn, buôn, sinh hoạt đoàn thể; phát thông điệp, nội dung phòng bệnh sốt rét trên hệ thống loa phát thanh của xã để nâng cao kiến thức phòng bệnh cho nhân dân.
Người dân xã Cư Kbang đến lấy lam máu làm xét nghiệm sốt rét tại Trạm y tế xã. Ảnh: Đ.Thi |
Bên cạnh đó, công tác giám sát dịch tễ sốt rét cũng được Trạm Y tế xã thực hiện thường xuyên, đặc biệt chú trọng đến việc lấy lam máu xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét tại các thôn, buôn trọng điểm. Không những thế, Trạm còn phối hợp với Trung tâm Y tế huyện triển khai các đợt chiến dịch tẩm màn cho tất cả các thôn, buôn trong xã và phun hóa chất phòng bệnh sốt rét cho dân di cư...
Từ những nỗ lực này, hiểu biết của người dân được nâng lên đáng kể. Hiện 18/18 thôn của xã thường xuyên triển khai công tác vệ sinh môi trường như: khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, lấp các vũng nước đọng quanh nhà, súc rửa lu vại, dụng cụ chứa nước, lật úp các vật phế thải chứa nước… để diệt muỗi. Những người thường xuyên đi rừng, ngủ rẫy đã có ý thức đem theo màn và thuốc dự phòng sốt rét. Nhờ vậy, tỷ lệ ca bệnh sốt rét trên địa bàn trong 3 năm trở lại đây đã giảm mạnh. Cụ thể, năm 2014 toàn xã có 112 trường hợp mắc sốt rét, năm 2015 giảm còn 36 trường hợp, đến năm 2016 chỉ có 23 trường hợp và từ đầu năm 2017 đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào mắc sốt rét.
Có thể thấy, thông qua các biện pháp tuyên truyền hiệu quả, ý thức phòng chống bệnh sốt rét của người dân xã Cư Kbang đã nâng lên đáng kể. Song, thực tế xã Cư Kbang vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn. Điều dưỡng Nhung chia sẻ: “Mặc dù tình hình sốt rét trên địa bàn xã đã có chiều hướng giảm nhưng y tế địa phương luôn trong tư thế sẵn sàng đối phó với dịch bệnh, bởi tính chất phức tạp và luôn biến động của bệnh sốt rét. Hơn nữa, hiện nay số dân di cư biến động vẫn còn nằm ngoài sự kiểm soát của các cấp chính quyền và ngành y tế, gây khó khăn trong việc ngăn chặn sự lan truyền của bệnh sốt rét. Trong khi đó, chính quyền chưa có giải pháp quản lý người đi rừng, ngủ rẫy; cán bộ y tế của trạm thì kiêm nhiệm nhiều công việc, chất lượng hoạt động phòng chống sốt rét ở một số nơi còn hạn chế. Vì vậy, để công tác phòng chống sốt rét đạt kết quả và bền vững, rất cần sự chung sức của cộng đồng, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của Trung tâm Phòng chống sốt rét Ký sinh trùng- Côn trùng tỉnh, Trung tâm Y tế huyện và của chính quyền địa phương”.
Kim Oanh - Mỹ Hạnh
Ý kiến bạn đọc