Multimedia Đọc Báo in

Điều trị ARV – cơ hội cải thiện sức khỏe cho người nhiễm HIV

09:42, 08/09/2017
Việc tuân thủ điều trị thuốc kháng vi rút HIV (ARV) giúp người nhiễm HIV trên địa bàn cải thiện sức khỏe và kéo dài thời gian sống. 
 
Theo bác sĩ Chu Đức Thảo, Trưởng Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS và điều trị nghiện chất, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, các bệnh nhân nhiễm HIV đến khám tại phòng khám mà có chỉ số CD4 nhỏ hơn hoặc bằng 500/mm3 đều được tư vấn điều trị ARV. Khi phát hiện bệnh, điều trị ARV càng sớm càng tốt, bởi đa số các bệnh nhân vừa biết mình bị nhiễm HIV đều rơi vào trạng thái bi quan, tuyệt vọng, cơ thể suy nhược nặng. Việc điều trị ARV sẽ giảm sự phá hủy tế bào do vi rút HIV, giảm nguy cơ tử vong do các nhiễm trùng cơ hội và các bệnh liên quan đến AIDS, giúp sức khỏe người bệnh dần hồi phục, từ đó lấy lại niềm tin trong cuộc sống. 
 
Một trong những trường hợp nói trên là chị B.T.H. (32 tuổi, ở phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) bị nhiễm HIV từ bạn trai lúc mới 19 tuổi. Khi biết mình nhiễm HIV, chị H. hoàn toàn suy sụp, sụt cân nghiêm trọng, cơ thể ốm yếu và đối diện với nhiều bệnh nội khoa. Gần 9 năm qua, kể từ lần đầu tiếp cận với việc điều trị bằng thuốc ARV (năm 2008), chị H. luôn duy trì việc uống thuốc và tái khám đều đặn hằng tháng nên sức khỏe đã trở lại bình thường. Chị H. chia sẻ: “Hiện tại tôi thấy sức khỏe của mình khá ổn định. Có sức khỏe để làm công việc mình yêu thích tôi không còn bi quan như trước nữa và cũng tự tin hòa nhập với cộng đồng”. 
Cán bộ Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh tư vấn cho người nhiễm HIV/AIDS.
Cán bộ Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh tư vấn cho người nhiễm HIV/AIDS.

Không chỉ riêng chị H., hiện toàn tỉnh có 531 trường hợp nhiễm HIV/AIDS tham gia điều trị thuốc ARV (chiếm trên 30% trong tổng số người nhiễm HIV/AIDS còn sống trên địa bàn), có trường hợp đã gần 10 năm, có người mới vài tháng, nhưng ai cũng cảm nhận sức khỏe ngày càng được cải thiện nhờ tuân thủ điều trị.

Có thể thấy, điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV là một trong những giải pháp quan trọng nhất trong phòng, chống HIV/AIDS hiện nay. Tổ chức Y tế thế giới đã đề nghị các quốc gia cần mở rộng, điều trị ARV ngay cho tất cả những người được phát hiện có nhiễm HIV. Tuy nhiên, việc duy trì và mở rộng điều trị ARV ở Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng đang gặp nhiều khó khăn, nhất là trong giai đoạn tới đây các nhà tài trợ quốc tế cắt giảm nguồn viện trợ, trong khi tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS chưa có thẻ BHYT vẫn còn cao. 
 
Bác sĩ Lê Đình Vinh, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: Trong số 531 người nhiễm HIV/AIDS tham gia điều trị ARV vẫn còn 177 trường hợp không có BHYT (chiếm trên 33%). Nếu không còn nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế, hoặc không có BHYT thì nhiều bệnh nhân khó có thể tiếp cận điều trị thuốc ARV, bởi hầu hết họ có hoàn cảnh khó khăn trong khi chi phí điều trị ARV bậc 1 đối với mỗi người bệnh là khoảng 6 triệu đồng/năm và bậc 2 là khoảng 30 triệu đồng/năm. Để giải quyết khó khăn này, UBND tỉnh đã có chủ trương hỗ trợ BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS chưa có thẻ. Hiện các ngành chức năng đang tiến hành rà soát, tổng hợp danh sách để trình UBND tỉnh. BHYT là một trong những nguồn lực bảo đảm cho người nhiễm HIV/AIDS sử dụng các dịch vụ y tế và thuốc ARV một cách bền vững.
 
Kim Oanh

Ý kiến bạn đọc