Huyện Cư M'gar tăng cường phòng chống bệnh tay chân miệng
Là một trong những địa phương có số ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM) cao trong toàn tỉnh, huyện Cư M’gar đang tăng cường các biện pháp nhằm hạn chế bệnh lây lan rộng trên địa bàn.
Ở Trường Mẫu giáo Kim Đồng (xã Quảng Tiến), Ban Giám hiệu khá quan tâm đến công tác phòng chống bệnh TCM. Hằng ngày, phòng học và bếp ăn luôn được vệ sinh sạch sẽ. Mỗi tuần, nhà trường lại huy động cán bộ, giáo viên, nhân viên tổ chức vệ sinh lớp học, vật dụng và đồ chơi cho trẻ bằng dung dịch khử khuẩn chloramin B 2%. Trong việc vệ sinh cá nhân của trẻ, giáo viên thường xuyên rửa tay cho trẻ nhỏ, hướng dẫn trẻ các bước rửa tay đúng cách với xà phòng, nhắc nhở trẻ rửa tay trước mỗi bữa ăn hoặc sau khi đi vệ sinh.
Giáo viên và nhân viên Trường Mẫu giáo Kim Đồng vệ sinh lớp học. |
Bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh
|
Ngoài ra, trường còn đẩy mạnh tuyên truyền về phòng chống bệnh TCM đến phụ huynh học sinh. Bà Phạm Thị Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trong các cuộc học phụ huynh học sinh hay trước giờ đưa đón trẻ, nhà trường đều lồng ghép tuyên truyền, vận động phụ huynh thực hiện dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, dạy cho trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để phòng chống bệnh TCM và một số bệnh dịch nguy hiểm khác.
Công tác phòng chống bệnh TCM cũng được Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Quang Trung (xã Quảng Tiến) chú trọng. Hằng tuần, nhà trường đều tổ chức tuyên truyền cho học sinh trong buổi sinh hoạt đầu tuần về các biện pháp phòng bệnh, hướng dẫn học sinh 6 bước rửa tay đúng cách; chuẩn bị đầy đủ nước sạch, xà phòng rửa tay cho học sinh…
Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Cư M’gar, tính từ đầu năm đến cuối tháng 10, toàn huyện ghi nhận 259 trường hợp mắc bệnh TCM. Bệnh xuất hiện rải rác tại tất cả 17 xã, thị trấn, trong đó tập trung nhiều ở thị trấn Quảng Phú và các xã Cư M’gar, Quảng Hiệp. Đặc biệt, từ tháng 7 đến nay, số ca bệnh tăng mạnh và tập trung nhiều ở nhóm trẻ nhỏ chưa đến tuổi đi học.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Cư M'gar hướng dẫn học sinh Trường Tiểu học Quang Trung rửa tay đúng cách. |
Trước tình hình đó, để hạn chế sự lây lan của bệnh TCM, ngành y tế địa phương đã tham mưu cho UBND xã, thị trấn chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác phòng, chống bệnh TCM; đẩy mạnh truyền thông phòng, chống dịch bệnh này trên hệ thống loa phát thanh và truyền thông trực tiếp tại cộng đồng thông qua đội ngũ y tế thôn, buôn, tổ dân phố. Trung tâm Y tế huyện còn phối hợp với Phòng Giáo dục – Đào tạo tổ chức kiểm tra, giám sát bệnh TCM tại 38 trường mẫu giáo, mầm non trên địa bàn; hướng dẫn cán bộ y tế học đường và giáo viên cách phát hiện trẻ mắc bệnh, cách ly và xử lý môi trường khi có trẻ bị bệnh.
Theo bác sĩ Nguyễn Bá Quang, Trưởng Khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện, sự chủ động phòng chống bệnh TCM của các trường học trên địa bàn đã giúp kiềm chế được sự gia tăng của bệnh TCM tại địa phương. Tuy nhiên, cái khó lớn nhất hiện nay trong phòng chống bệnh TCM là số ca bệnh xuất hiện chủ yếu trên địa bàn dân cư. Trong khi đó, ý thức của một bộ phận dân cư về phòng chống dịch bệnh này chưa tốt, nhất là ở một số buôn đồng bào dân tộc thiểu số, bà con chưa thực hiện tốt biện pháp cách ly trẻ mắc bệnh với trẻ khỏe mạnh khiến cho bệnh có nguy cơ lan nhanh. Trước thực trạng này, Trung tâm đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn, nhất là các địa phương có nhiều ca bệnh tiếp tục đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân. Bởi, chỉ khi người dân phối hợp thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, hoặc cách ly người bệnh kịp thời thì dịch bệnh mới được dập tắt.
Kim Oanh
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Giáo viên và nhân viên Cư M’gar hướng dẫn học sinh Trường Tiểu học Quang Trung rửa tay đúng cách.
Ý kiến bạn đọc