Cai nghiện thuốc lá thành công nhờ có quyết tâm cao
Với những sản phẩm có chất gây nghiện như thuốc lá, để cai nghiện được không phải là chuyện dễ dàng, đặc biệt là với những người có thâm niên hút thuốc lá nhiều năm. Tuy nhiên, cai nghiện thuốc lá cũng không quá khó đến mức không thể thực hiện được, bằng chứng là có rất nhiều người đã từ bỏ thuốc lá thành công bằng sự quyết tâm của bản thân mà không cần dùng đến một phương pháp hỗ trợ nào.
Anh Nguyễn Hoàng Kim (30 tuổi, ở xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) từng là một người nghiện thuốc lá nặng, có ngày anh hút gần hai gói thuốc. Năm 2016, anh Kim bắt đầu lái xe khách. Qua phương tiện thông tin đại chúng và tự cảm nhận về sức khỏe bản thân, anh hiểu được tác hại của hút thuốc lá và thuốc lá thụ động nên quyết tâm “cai” thuốc lá. Đó là một quá trình khó khăn đòi hỏi sự kiên trì và nghị lực rất lớn. Anh Kim nhớ lại: “Thời gian đầu, cảm giác bứt rứt, khó chịu, mất tập trung thường xuyên xuất hiện khiến đôi lúc tôi nhụt chí, muốn hút thuốc lá trở lại nhưng nghĩ đến những tác hại và hình ảnh khó chịu của hành khách đi xe, tôi lại cố gắng tránh xa khói thuốc lá. Để làm được việc này, tôi không bao giờ mang thuốc lá trong người, tránh những nơi có người hút thuốc lá, nếu có ai mời tôi kiên quyết từ chối và bỏ đi nơi khác. Mỗi khi nhớ thuốc lá, tôi cố gắng tập trung vào làm những công việc khác. Dần dần sau gần 4 tháng, tôi bỏ hẳn được thuốc lá”.
Bệnh nhân lao phổi do hút thuốc lá nhiều điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh. |
Với ông Y Luar Niê, Trưởng Phòng Tổ chức (Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ), bỏ thuốc lá là một điều khá khó khăn bởi ông đã có “thâm niên” hút thuốc trên 20 năm. Tuy nhiên, bằng sự cố gắng và lòng quyết tâm cao, ông đã từ bỏ được thói quen hút thuốc lá. Ông Y Luar Niê chia sẻ: “Việc cai thuốc lá không phải ngày một ngày hai có thể thực hiện được mà phải trải qua một thời gian nhất định, đòi hỏi bản thân người muốn từ bỏ thuốc lá phải có ý chí, quyết tâm và tinh thần bền bỉ. Ban đầu tôi xác định mức độ “nghiện” thuốc lá của mình khá nặng nên đã lập kế hoạch cai thuốc lá dần dần bằng cách hút giảm dần. Ban đầu có thể hút 2 gói/ngày, sau đó giảm xuống 1 gói/ ngày rồi 1 điếu/ngày và tiến tới bỏ hẳn. Trong khoảng thời gian đó, tôi tích cực luyện tập thể thao, hạn chế tụ tập bạn bè tại các quán xá, cà phê, trà đá vỉa hè. Vì vậy, sau gần một năm, tôi đã cai thuốc lá thành công”.
Từ bỏ thuốc lá cũng là một hành trình đầy gian nan, thử thách đối với ông Lê Văn Ba (khối 1, thị trấn M’Đrắk, huyện M’Đrắk) nhưng ông cũng đã thành công nhờ có động lực. Ông cho hay: “Trong khoảng thời gian hút thuốc lá, tôi bị ho thường xuyên, sức khỏe ngày càng giảm sút. Năm 2017, tôi quyết tâm tự mình cai thuốc và nhận được sự động viên, ủng hộ rất lớn từ gia đình, đặc biệt là vợ và các con. Sau khi cai thuốc, tôi tăng được 3 kg (từ 50 kg lên 53 kg), da dẻ hồng hào, ít bị ho hơn trước”.
Theo các chuyên gia y tế, hút thuốc lá và thuốc lá thụ động là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu với các bệnh, như: phổi tắc nghẽn mãn tính, các bệnh ung thư (ung thư vòm họng, ung thư phổi, ung thư thực quản, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não…). Ngoài ra, thuốc lá còn ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của người hút, như: làm giảm số lượng tinh trùng, giảm quá trình hoạt động tinh trùng, gây vô sinh ở nam giới; đối với phụ nữ: gây mãn kinh sớm, ảnh hưởng đến khả năng sinh đẻ, hoặc có thể vô sinh; đối với phụ nữ mang thai, nếu hút thuốc lá và thuốc lá thụ động thường xuyên thì dễ bị thai ngoài tử cung, sẩy thai do bong nhau, nhau tiền đạo và thai chết lưu hoặc có nguy cơ sinh non, thai nhẹ cân, dị dạng, bệnh tim bẩm sinh và đặc biệt khi lớn lên, trẻ sẽ kém thông minh, dễ mắc bệnh trầm cảm và ung thư… Do vậy, việc cai thuốc lá là có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, cai nghiện thuốc lá không phải là một việc dễ dàng, không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Để làm được điều này, đòi hỏi mỗi người hút thuốc lá phải có quyết tâm rất cao, sự kiên trì và hiểu rõ tác hại của thuốc lá để hạ quyết tâm bỏ thuốc. Bên cạnh đó, khi quyết tâm bỏ thuốc, nên vận động mọi người cùng bỏ thuốc để tránh bị lôi kéo trở lại bởi theo một nghiên cứu cho thấy người nghiện thuốc dễ dàng tái nghiện trở lại do họ không vượt qua được thời kỳ khó khăn với các hội chứng cai thuốc lá.
Theo bác sĩ Nguyễn Kim Mỹ, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh, người cai thuốc thường hay cáu gắt, bực bội và có chiều hướng tăng cân. Do đó, để “cai” thuốc lá thành công và tránh sự khó chịu khi cơn thèm thuốc xuất hiện, rất cần sự chia sẻ của người thân, bạn bè và hơn hết là sự nỗ lực, ý chí của người cai thuốc. Cần chú ý đến vấn đề dinh dưỡng và chế độ luyện tập thể dục thể thao để phòng tránh các bệnh về tim mạch, bảo đảm sức khỏe trong quá trình cai thuốc.
Mỹ Hạnh
Ý kiến bạn đọc