Multimedia Đọc Báo in

Các địa phương triển khai vắc xin bại liệt tiêm trong tiêm chủng mở rộng

09:09, 01/10/2018

Thông tin từ ngành Y tế, bắt đầu từ tháng 10-2018, cùng với tiếp tục cho trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi uống 3 liều vắc xin bại liệt bOPV, các địa phương trong tỉnh sẽ triển khai vắc xin bại liệt tiêm (IPV) trong tiêm chủng mở rộng.

Việc tiêm vắc xin IPV sẽ được triển khai tại 100% các xã, phường, thị trấn trong tỉnh với mục tiêu từ 95% trẻ đủ 5 tháng tuổi trở lên được tiêm một mũi vắc xin IPV trong tiêm chủng thường xuyên. Đối tượng thụ hưởng là trẻ đủ 5 tháng tuổi (sinh từ 1-3-2018 đến 31-5-2018) trên địa bàn tỉnh. Những trẻ đã hoặc đang tiêm vắc xin 6 trong 1 (Infarix Hexa), 5 trong 1 (Pentaxim) trong tiêm chủng dịch vụ có thành phần bại liệt tiêm không nằm trong đối tượng tiêm IPV.  

Để bảo đảm mục tiêu đề ra, các địa phương đã tiến hành rà soát các đối tượng tiêm chủng, trên cơ sở đó dự trù vắc xin, vật tư và bố trí điểm tiêm phù hợp. Đồng thời tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế tham gia tiêm chủng ở tuyến xã về vắc xin IPV; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống loa phát thanh của các xã, phường thị trấn về đối tượng và thời gian tiêm chủng để người dân biết và đưa con em đi tiêm chủng kịp thời.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vắc xin IPV sử dụng trong tiêm chủng mở rộng của hãng Sanofi (Pháp) sản xuất do tổ chức Liên minh toàn cầu vắc xin và tiêm chủng (GAVI) hỗ trợ và được cung ứng bởi Quỹ Nhi đồng liên hiệp quốc (UNICEF). Đây là loại vắc xin mới đã được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

Được biết, bệnh bại liệt từng là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và để lại di chứng nặng nề ở trẻ dưới 5 tuổi. Nhờ triển khai uống vắc xin phòng bệnh bại liệt và nhiều năm duy trì tỷ lệ uống vắc xin ở mức cao trên 90%, bệnh bại liệt đã dần được khống chế, ca bệnh cuối cùng được ghi nhận tại Việt Nam năm 1997. Việt Nam đã chính thức công bố thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000 và từ đó đến nay vẫn đang duy trì thành quả này.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.