Thực hiện thành công kỹ thuật tán sỏi niệu quản nội soi ngược dòng bằng laser
Những năm qua, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã đầu tư nhiều trang thiết bị y tế hiện đại, tạo điều kiện để đội ngũ y, bác sĩ tiếp cận và triển khai các kỹ thuật y tế chuyên sâu đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn. Trong đó, Bệnh viện đã thực hiện thành công kỹ thuật tán sỏi niệu quản nội soi ngược dòng bằng laser.
Nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên với cơn đau quặn bụng, ông Nguyễn Duy Linh (55 tuổi, ở xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar) được chẩn đoán bị sỏi niệu quản và có chỉ định phẫu thuật. Trước đây những bệnh nhân bị sỏi niệu quản như trường hợp của ông Linh sẽ phải thực hiện mổ hở, thời gian hậu phẫu kéo dài rất khó khăn cho bệnh nhân thì nay Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã áp dụng phẫu thuật bằng phương pháp tán sỏi niệu quản nội soi ngược dòng bằng laser. Với phương pháp này, ngay sau khi phẫu thuật, ông Linh đã có thể ngồi dậy và đi lại được, không có cảm giác đau đớn; chỉ sau hai ngày, sức khỏe của ông đã ổn định hẳn và có thể xuất viện.
Ông Linh cho hay: “Khi nhập viện cấp cứu và có chỉ định phẫu thuật, tôi rất lo lắng, nhưng biết bệnh viện sẽ áp dụng kỹ thuật tán sỏi nội soi bằng laser thì tôi yên tâm hơn. Kíp mổ được chuẩn bị khá nhanh, các bác sĩ rất nhiệt tình, chu đáo, trách nhiệm nên trong khoảng thời gian ngắn ca phẫu thuật của tôi đã hoàn thành. Sức khỏe của tôi hiện rất ổn định”.
Bác sĩ Phương kiểm tra kết quả trên phim sau khi tán sỏi cho bệnh nhân. |
Biết Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã triển khai kỹ thuật mới trong tán sỏi niệu quản nên ngay khi nhập viện và có chỉ định phẫu thuật, bệnh nhân Bùi Thanh Vinh (31 tuổi, ở xã Ea Bông, huyện Krông Ana) liền yêu cầu các bác sĩ thực hiện kỹ thuật này. Anh Vinh chia sẻ: “Sau khi phẫu thuật xong, tôi thấy sức khỏe khá ổn, đi lại, ăn uống tốt và có thể xuất viện sớm”.
Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Việt Phương (Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cho biết, trước đây mổ lấy sỏi là phẫu thuật cần thiết cho bệnh nhân sỏi niệu quản song phương pháp phẫu thuật cổ điển này lại mang tính xâm hại cao do phải rạch cơ thành bụng từ 10 – 15 cm, gây đau đớn, để lại sẹo, nguy cơ nhiễm khuẩn và biến chứng hẹp niệu quản, tổn thương đến mạch máu, thời gian bình phục kéo dài…
Từ tháng 4-2017, Khoa Ngoại tổng hợp bắt đầu triển khai kỹ thuật tán sỏi niệu quản nội soi ngược dòng bằng laser. Đây là kỹ thuật mới thay thế cho phương pháp mổ hở truyền thống với những ưu điểm: không có vết rạch dài trên cơ thể, không trải qua cuộc phẫu thuật nặng nề, ít biến chứng, không gây sang chấn sau thủ thuật, sức khỏe bệnh nhân hồi phục nhanh và thời gian nằm viện ít…
Với phương pháp này, bệnh nhân sau khi được gây tê tủy sống, các bác sĩ đặt ống nội soi niệu quản qua đường niệu đạo, lên niệu quản có vị trí sỏi nằm, tiếp đó, dây dẫn tia laser được luồn vào để phá vỡ sỏi thành từng mảnh nhỏ. Khi sỏi đã được tán vỡ nát sẽ theo nước tiểu xuống bàng quang và ra ngoài. Kỹ thuật này tán được tất cả các loại sỏi có kích thước khoảng 1,5 cm, thời gian tán sỏi trung bình từ 45 - 50 phút, thời gian nằm viện sau phẫu thuật khoảng 2 ngày có thể xuất viện. Do ít hoặc không làm tổn thương đường tiết niệu nên tránh được các biến chứng như: nhiễm khuẩn, chảy máu và ít gây đau đớn cho bệnh nhân.
Một bệnh nhân sau phẫu thuật bằng kỹ thuật tán sỏi niệu quản nội soi ngược dòng bằng laser. |
Để triển khai kỹ thuật này, Bệnh viện đã cử các bác sĩ lên bệnh viện tuyến trên để học tập kỹ thuật, đồng thời trang bị máy tán sỏi bằng laser để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn. Hiện nay, trung bình một tháng Bệnh viện thực hiện thủ thuật tán sỏi niệu quản nội soi ngược dòng bằng laser cho khoảng 60 - 70 bệnh nhân bị sỏi đường tiết niệu. Hầu hết những bệnh nhân được tán sỏi bằng phương pháp này đều thành công, không có biến chứng sau phẫu thuật và được bệnh nhân hài lòng.
Điều đáng nói, mặc dù là kỹ thuật cao trong tán sỏi, tuy nhiên chi phí của phương pháp này lại được tính như một thủ thuật thông thường và ít tốn kém hơn nhiều so với phương pháp mổ hở truyền thống. Bệnh nhân khi sử dụng kỹ thuật này sẽ được thanh toán bảo hiểm y tế theo quy định. Đây cũng là lý do để hầu hết bệnh nhân đều yêu cầu được phẫu thuật bằng phương pháp này.
Bác sĩ Phương cũng khuyến cáo, sỏi niệu quản nói riêng và sỏi đường tiết niệu nói chung rất dễ tái phát nếu như chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt không hợp lý hoặc tăng bất thường canxi trong máu. Để phòng bệnh sỏi cũng như tránh tái phát đối với bệnh nhân tiền sử sỏi niệu quản, sỏi thận, tiết niệu được điều trị, biện pháp hàng đầu là xây dựng chế độ ăn uống hợp lý. Mọi người cần hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều oxalate, canxi (có nhiều trong các loại đậu, đậu phụng, bột cám, sôcôla, cà phê và trà đặc, một số loại rau như: rau muống, rau chân vịt, dâu tây…); nên ăn nhạt vì nhiều nghiên cứu cho thấy việc giảm lượng muối trong chế độ ăn cũng có thể cắt giảm lượng oxalate trong nước tiểu. Tăng cường dùng nước bột sắn, nước cam, chanh, bưởi sẽ giúp chống tạo sỏi. Thường xuyên luyện tập thể dục, không làm việc quá sức, tránh thức khuya, đặc biệt nên uống nhiều nước mỗi ngày (ít nhất 1,5 đến 2 lít)…
Theo bác sĩ Nguyễn Việt Phương, không phải trường hợp nào bị sỏi cũng được thực hiện tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser. Kỹ thuật này chỉ được áp dụng điều trị đối với bệnh nhân sỏi niệu quản vùng 3 giữa và vùng 3 dưới, kích thước của viên sỏi dưới 1,5 cm, sỏi không quá cứng, đặc biệt bệnh nhân không có bất thường về giải phẫu của đường tiết niệu như: hẹp niệu quản, hẹp niệu đạo… |
Mỹ Hạnh
Ý kiến bạn đọc