Multimedia Đọc Báo in

Xã Cư Êbur tích cực ứng phó với dịch bệnh sởi

08:58, 24/04/2019

Là một trong những “điểm nóng” của thành phố về dịch bệnh sởi, đến thời điểm này, xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) đã ghi nhận khoảng 150 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 33 trường hợp dương tính với vi rút sởi.

Số ca bệnh xuất hiện ở tất cả 8 thôn, buôn trên địa bàn xã. Điều đáng nói, qua điều tra của ngành Y tế cho thấy, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng sởi cho trẻ em ở Cư Êbur rất thấp, hiện chỉ đạt khoảng 70%; người dân chưa “mặn mà” với việc cho con tiêm vắc xin phòng bệnh, khi có ca bệnh xuất hiện, việc chữa bệnh, cách ly cũng chưa được quan tâm nên khả năng lây lan nhanh.

Theo ông Y Son Êban, Trạm trưởng Trạm y tế xã Cư Êbur, trước thực trạng đó, trạm y tế cùng các ban, ngành, đoàn thể của xã đã và đang tích cực phối hợp, tiến hành điều tra, rà soát nắm bắt tình hình mắc dịch bệnh diễn ra trên địa bàn, triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh sởi - rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi, tổ chức các buổi truyền thông trực tiếp, phát thông báo, hướng dẫn cách phòng bệnh trên loa phát thanh tại các thôn buôn.

Đặc biệt, cán bộ y tế và cộng tác viên y tế còn đến từng hộ gia đình, gặp từng đối tượng để tuyên truyền vận động đưa con đi tiêm chủng đúng lịch, đúng tuổi, hướng dẫn vệ sinh cá nhân cho trẻ và đưa trẻ có các dấu hiệu của bệnh tới trạm y tế khám, điều trị.

Tiêm vắc xin phòng sởi - rubella cho trẻ tại Trạm y tế xã Cư Êbur.
Tiêm vắc xin phòng sởi - rubella cho trẻ tại Trạm y tế xã Cư Êbur.

Bằng những hoạt động tích cực, kịp thời, ý thức của người dân trên địa bàn xã về phòng chống dịch bệnh sởi đã từng bước được cải thiện, các bậc phụ huynh đã chủ động đưa con đến điểm tiêm chủng để tiêm vắc xin phòng bệnh.

Trường hợp của gia đình bà H’Ing Êban (ở thôn 4, xã Cư Êbur) là một ví dụ điển hình. Bà H’Ing có 2 cháu ngoại, một đứa 2 tuổi và 1 đứa 3 tuổi, nhưng kể từ khi 9 tháng tuổi đến nay, cả 2 đều chưa từng tiêm vắc xin phòng sởi.

Bà H’Ing chia sẻ: “Cứ nghe mọi người nói là cho trẻ đi tiêm vắc xin về sẽ hay bị ốm nên nhà tôi cũng ngần ngại không đưa các cháu đi tiêm. Mới đây khi đứa nhỏ bị mắc sởi, phải đến bệnh viện điều trị cách ly, gia đình tôi mới được hiểu rõ về bệnh sởi. Thế nên khi cán bộ y tế đến nhà tuyên truyền, vận động, tôi đã tự giác đưa đứa lớn ra trạm y tế tiêm vắc xin phòng bệnh sởi”.

Hay như trường hợp của gia đình anh Bùi Thiết Lĩnh (cũng ở thôn 4, xã Cư Êbur), dù việc nhà nông bận rộn, nhưng khi nghe được thông báo của trạm y tế về việc tiêm vắc xin phòng sởi cho trẻ trên địa bàn, anh vẫn dành thời gian để đưa con đến tiêm đúng lịch.

Cán bộ y tế xã Cư Êbur tuyên truyền cho người dân về cách phòng chống bệnh sởi.
Cán bộ y tế xã Cư Êbur tuyên truyền cho người dân về cách phòng chống bệnh sởi.

Không chỉ riêng gia đình bà H’Ing, anh Lĩnh mà rất nhiều người dân khác trên địa bàn đã chủ động đưa trẻ đến trạm y tế xã để tiêm vắc xin phòng bệnh sởi - rubella theo thông báo trước đó của địa phương. Chỉ riêng ngày 17- 4, Trạm y tế xã Cư Êbur đã tiêm vắc xin phòng bệnh sởi – rubella cho 250 trẻ em. Đồng thời, tại điểm trường mầm non của xã và tại điểm tiêm lưu động ở cộng đồng, đông đảo người dân đưa trẻ đến tiêm vắc xin phòng bệnh sởi - rubella.

Ông Đặng Ngọc Sơn, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột cho biết: “Ngay khi những ca bệnh sởi đầu tiên xuất hiện tại thôn 7, xã Cư Êbur, Trung tâm đã thành lập các đoàn công tác phòng chống dịch đến tận nơi để giám sát và tổ chức phun thuốc xử lý môi trường phòng chống nguy cơ bệnh lây lan rộng. Bên cạnh đó, chúng tôi tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho người dân, rà soát toàn bộ trẻ em từ 1-15 tuổi tại những nơi xuất hiện nhiều ca nghi mắc sởi để triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh; trực tiếp chỉ đạo trạm y tế đẩy mạnh hoạt động truyền thông, cung cấp thông tin để người dân biết được tác hại, cách phòng chống bệnh sởi để chủ động phòng ngừa, hạn chế sự lây lan trong các khu dân cư. Nhờ vậy, đến nay số ca bệnh sởi trên địa bàn xã Cư Êbur đã giảm rõ rệt, ý thức đưa con đi tiêm vắc xin của người dân cũng được nâng cao”.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế thành phố, tính đến ngày 17-4, toàn thành phố ghi nhận 321 ca nghi sởi, trong đó có 45 trường hợp dương tính với vi rút sởi tại 19/21 phường, xã. Hai địa bàn chưa ghi nhận bệnh sởi cũng như sốt phát ban nghi sởi là phường Thắng Lợi và xã Hòa Thuận.

Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.