Multimedia Đọc Báo in

Bệnh viện Đa khoa huyện M'Đrắk: Tiếp sức bệnh nhân từ công tác xã hội

08:10, 16/05/2019

Ngoài nhiệm vụ chính là khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn, nhiều năm qua, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện M’Đrắk thường xuyên thực hiện tốt công tác xã hội, hỗ trợ bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Anh Lý Văn Dinh ở huyện Ea Súp hiện đang chăm sóc chú ruột tại Khoa Ngoại – Sản (BVĐK huyện M’Đrắk) cho biết: Hai chú cháu đến làm thuê tại huyện M’Đrắk nhưng không may chú bị đau ruột thừa phải nhập viện phẫu thuật. Nhà xa lại neo người, anh Dinh nghĩ sẽ rất vất vả nhưng khi vào Bệnh viện, gia đình anh đã nhận được sự hỗ trợ tận tình của các cán bộ y tế ở đây. Những lúc không có người nhà chăm sóc, chú của anh đã được các y, bác sĩ trông nom chu đáo. Điều này khiến anh vô cùng xúc động.

Không chỉ riêng gia đình anh Dinh mà nhiều trường hợp khác cũng đã nhận được sự hỗ trợ thiết thực của các y, bác sĩ nói chung và các thành viên Tổ công tác xã hội BVĐK huyện nói riêng. Từ khi thành lập vào năm 2015 đến nay, Tổ công tác xã hội đã thực hiện nhiệm vụ tiếp đón, hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn các thủ tục và quy trình khám chữa bệnh cho người dân; trợ giúp người già, người tàn tật làm thủ tục khám chữa bệnh; thăm hỏi, tư vấn, tuyên truyền các chính sách của Nhà nước về lĩnh vực y tế, bảo hiểm xã hội cho bệnh nhân điều trị nội trú; lắng nghe và phản hồi những ý kiến đóng góp của bệnh nhân…

Cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa huyện M’Đrắk phát phiếu cơm miễn phí cho bệnh nhân.
Cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa huyện M’Đrắk phát phiếu cơm miễn phí cho bệnh nhân.

Bên cạnh đó, hoạt động từ thiện cũng được Tổ công tác xã hội chú trọng thực hiện và nhận được sự ủng hộ của đông đảo người bệnh và nhân dân trên địa bàn. Hơn 3 năm qua, Bệnh viện đã thành lập được tủ quần áo cũ đặt tại Khoa Khám bệnh với phương châm “Ai thừa thì cho, ai thiếu thì nhận”. Mỗi năm, tủ quần áo này đã cấp khoảng 2.600 bộ cho cả người lớn và trẻ em, góp phần hỗ trợ đời sống vật chất cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Đặc biệt, từ tháng 2-2018 đến nay, các cán bộ, y, bác sĩ còn đóng góp ủng hộ Chương trình Dĩa cơm trên tường; mỗi tháng cung cấp khoảng 600 suất cơm miễn phí cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nghèo.

Anh Bùi Văn Tuân (ở xã Krông Á, huyện M’Đrắk) điều trị tại Khoa Ngoại – Sản cho biết: Từ ngày anh nhập viện, hôm nào cũng có cán bộ y tế đến phát phiếu cơm miễn phí. Anh rất cảm động vì sự quan tâm này phần nào giúp gia đình giảm bớt chi phí trong thời gian điều trị tại Bệnh viện.

Ngoài việc quyên góp tiền hỗ trợ bệnh nhân nghèo, các y, bác sĩ của Bệnh viện còn thực hiện nghĩa cử nhân đạo hiến máu cứu người. Bệnh viện đã thành lập Ngân hàng máu sống với 33 cán bộ tham gia, thực hiện truyền máu cho bệnh nhân bất cứ khi nào cần. Trong năm 2018, các y, bác sĩ đã hiến được 6 đơn vị máu để cấp cứu cho các bệnh nhân.

Tủ quần áo cũ được đặt tại Khoa Khám, BVĐK huyện M’Đrắk để bệnh nhân lấy dùng.
Tủ quần áo cũ được đặt tại Khoa Khám, BVĐK huyện M’Đrắk để bệnh nhân lấy dùng.

Bác sĩ Nguyễn Quang Thừa, Giám đốc BVĐK huyện M’Đrắk cho biết: Mặc dù thu nhập không cao nhưng cán bộ, y, bác sĩ Bệnh viện luôn ý thức thực hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng xã hội. Nhiều năm nay, cán bộ y tế của bệnh viện thường xuyên quyên góp, giúp đỡ những bệnh nhân nghèo, hỗ trợ tiền viện phí cho những trường hợp đặc biệt khó khăn, mua bò tặng các gia đình nghèo thuộc buôn kết nghĩa… Các hoạt động ý nghĩa này đã tạo được sự yêu mến và tin tưởng của người dân trên địa bàn, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về người thầy thuốc trong lòng nhân dân, thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”, đồng thời hoàn thiện mục tiêu phong trào “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng đến sự hài lòng của người bệnh” do Bộ Y tế phát động…

Thu Huế


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.