Ea Súp chủ động khoanh vùng, khống chế bệnh sởi
Trước diễn biến phức tạp và khả năng lây lan nhanh của bệnh sởi, huyện Ea Súp đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm khoanh vùng khống chế dịch bệnh, xử lý triệt để ổ bệnh, ngăn chặn không để lan ra diện rộng.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Ea Súp, từ đầu tháng 2 đến nay, trên địa bàn huyện có 55 trường hợp nghi mắc bệnh sởi, trong đó có 28 trường hợp được xác định dương tính với bệnh sởi, tập trung chủ yếu ở thị trấn Ea Súp và các thôn, cụm dân di cư tự do ở xã Cư Mlan và xã Cư Kbang. Ða số các trường hợp mắc bệnh là trẻ em dân tộc thiểu số từ 1 - 5 tuổi chưa tiêm vắc xin phòng sởi hoặc tiêm chưa đủ số mũi.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Ea Súp kiểm tra tình hình sức khỏe cho một bệnh nhi đang điều trị bệnh sởi. |
Chưa kịp thở phào vì con trai đầu 2 tuổi mới khỏi bệnh sởi thì vợ chồng chị Hầu Thị Xoa (dân tộc Mông) ở thôn 14, xã Cư Kbang lại phải bỏ hết mọi công việc để tập trung chăm sóc cho con gái thứ 2 cũng dương tính với bệnh sởi. “Gia đình mình khó khăn, phải đi làm thuê kiếm ăn từng ngày, không quan tâm việc tiêm vắc xin phòng bệnh nên cả 2 con đều mắc sởi. Không chỉ riêng nhà mình, rất nhiều hộ trong xã đều có con bị bệnh sởi do chưa tiêm phòng”, chị Xoa cho hay.
Tương tự, xã Cư Mlan có trên 6.000 dân sinh sống ở 8 thôn, buôn, trong đó có 5 tiểu khu dân di cư tự do đều xuất hiện trường hợp mắc sởi hoặc nghi mắc sởi. Bác sĩ Trần Thị Ban, Trưởng Trạm Y tế xã Cư Mlan cho biết, khi bệnh sởi bùng phát ở thôn Bình Lợi, các tiểu khu 280, 286, 287, Trạm Y tế xã đã tích cực phối hợp triển khai công tác khoanh vùng, dập dịch, tiêm vắc xin Sởi – Rubella cho gần 400 đối tượng. Nhờ vậy, đến nay dịch bệnh sởi trên địa bàn xã cơ bản đã được khống chế.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Ea Súp tư vấn cho người nhà bệnh nhân cách chăm sóc trẻ bị bệnh sởi. |
Bác sĩ CKI Nguyễn Viết Hữu, Giám đốc TTYT huyện Ea Súp
|
Theo bác sĩ Đàm Thị Tuyết, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa huyện Ea Súp, đa số bệnh nhi đều ở xa, nhập viện khi bệnh đã khởi phát từ 4 - 7 ngày. Tuy các triệu chứng lâm sàng đã rõ nhưng muốn xác định chính xác bệnh sởi đều phải gửi mẫu đi xét nghiệm ở tuyến trên nên khó khăn trong quá trình chẩn đoán, điều trị. Hơn nữa, những trường hợp mắc bệnh chủ yếu là con em người dân tộc thiểu số, không chú trọng tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cũng như chăm sóc, giữ gìn vệ sinh cho trẻ đúng cách nên thường kéo dài thời gian điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Viết Hữu, Giám đốc TTYT huyện Ea Súp cho biết, để phòng chống dịch bệnh sởi, TTYT huyện đã xây dựng, triển khai kế hoạch xử lý bệnh sởi tại tiểu khu 286, 287, thôn Bình Lợi (xã Cư Mlan), tiểu khu 249 (xã Ea Lê), cụm dân di cư tự do xã Cư Kbang và 5 buôn ở thị trấn Ea Súp.
TTYT huyện cũng đã tổ chức điều tra nhằm phát hiện, ghi nhận bệnh nhân nghi sởi, lồng ghép tuyên truyền tại hộ gia đình, tư vấn cách ly, hướng dẫn điều trị cho trường hợp mắc và nghi ngờ, khoanh vùng dập dịch, tổ chức phun hóa chất xử lý môi trường, nhất là ở những địa bàn có nhiều trường hợp mắc bệnh. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tổ chức rà soát, tiêm vắc xin sởi cho các đối tượng chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ số mũi; chỉ đạo các trạm y tế xã chủ động lập kế hoạch giám sát dịch bệnh hằng tháng; thường xuyên nắm tình hình dịch bệnh để kịp thời phát hiện, điều trị. Đến nay, về cơ bản, dịch bệnh sởi trên địa bàn huyện đã được khống chế, không có trường hợp tử vong.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc