Không nên xem nhẹ trầm cảm
Trầm cảm là một bệnh lý tâm thần rất phổ biến, các triệu chứng lâm sàng đa dạng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và khả năng lao động của người bệnh.
Rối loạn trầm cảm (RLTC) được mô tả đặc trưng bởi trạng thái buồn rầu, đau khổ, người bệnh cảm thấy tương lai ảm đạm, lời nói chậm chạp, liên tưởng khó khăn, cảm giác mệt mỏi, mất dần các thích thú, giảm sút lòng tự tin, giảm khả năng chú ý, giảm vận động và có thể xuất hiện các triệu chứng loạn thần, như: hoang tưởng, ảo giác. RLTC nặng thường kèm theo rối loạn trầm trọng các chức năng sinh học (mất ngủ, mệt mỏi, chán ăn). Khi bệnh nặng có thể từ chối ăn và bệnh nhân sẽ chết trong tình trạng suy kiệt do rối loạn nước và điện giải.
Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc rối loạn trầm cảm từ 3,2 - 5,6% dân số, tỷ lệ này tăng lên trong những năm gần đây, điều này được giải thích do sự tăng tuổi thọ, tốc độ đô thị hóa, việc khám, chẩn đoán chính xác hơn. Nghiên cứu của WHO chỉ ra, trầm cảm là nguyên nhân hàng đầu gây mất khả năng lao động của người bệnh. Trên thế giới, có khoảng hơn 300 triệu người mắc trầm cảm (chiếm 4,4% dân số thế giới). Trầm cảm cũng là nguyên nhân chủ yếu gây ra nhiều cái chết do tự sát, khoảng gần 800.000 người thiệt mạng do tự sát trong một năm.
PGS, TS. Cao Tiến Đức (bìa trái) cùng các nhà khoa học tham dự Hội thảo khoa học Y - Dược năm 2019 do Trường Đại học Buôn Ma Thuột vừa tổ chức. |
Trầm cảm có thể khởi phát ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng hay gặp nhất là ở lứa tuổi 40. Tỷ lệ trầm cảm cao nhất gặp ở nhóm tuổi 25 - 44, nhưng sau 65 tuổi, tỷ lệ trầm cảm giảm dần ở cả nam và nữ. Một số tác giả nghiên cứu cho rằng tỷ lệ trầm cảm sau tuổi 65 là 1%. Tỷ lệ trầm cảm đang tăng lên ở lứa tuổi dưới 20. Điều này có thể liên quan tới việc gia tăng sử dụng rượu và ma túy trong nhóm tuổi này.
PGS, TS. Cao Tiến Đức - Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần và Tâm lý Y học - Bệnh viện 103 (Học viện Quân y) cho biết, trầm cảm là bệnh hay tái phát và tiến triển mạn tính. Mặc dù có đến 2/3 bệnh nhân rối loạn trầm cảm phục hồi trong năm đầu sau khi được điều trị tại bệnh viện, nhưng sau 5 năm, tỷ lệ tái phát lên đến hơn 50%. Có đến 1/8 bệnh nhân vẫn thỏa mãn các tiêu chuẩn chẩn đoán của trầm cảm trong suốt thời gian nghiên cứu và chỉ có 1/3 bệnh nhân là phục hồi và vẫn duy trì tình trạng sức khỏe tốt. Với sự phát triển của y học, hiện nay có nhiều phương pháp điều trị trầm cảm: Đơn trị liệu (Monotherapy), thuốc chống trầm cảm, các chiến lược phối hợp (Combination therapy), dùng thuốc chống loạn thần, liệu pháp tâm lý (Psychotherapy), sốc điện (ECT), các kỹ thuật khác.
Hằng năm, trên thế giới có hàng trăm triệu người được phát hiện là trầm cảm. Theo Tổ chức Y tế thế giới, rối loạn trầm cảm sẽ là nguyên nhân gây mất khả năng lao động đứng hàng thứ hai vào năm 2020. |
Tuy nhiên, việc điều trị RLTC gặp nhiều khó khăn. Trước hết là bệnh nhân và gia đình của họ không thừa nhận bệnh tật vì sợ mang tiếng mắc bệnh tâm thần, ảnh hưởng đến quan hệ gia đình, bạn bè, học hành, công việc, thu nhập… Triệu chứng bệnh trầm cảm nhiều khi kín đáo nên bệnh nhân, người nhà, thậm chí nhân viên y tế cũng khó phát hiện. Thuốc điều trị bệnh độc và có thể gây nghiện, cần có đơn của thầy thuốc mới mua được; việc khám bệnh có khi cũng gặp khó khăn…
Do đó, việc điều trị cần sự kiên trì của cả bệnh nhân, gia đình và thầy thuốc vì thời gian điều trị đòi hỏi nhiều tháng, thậm chí vài năm. Có trường hợp giai đoạn đầu bệnh có thể tự khỏi dẫn đến tâm lý chủ quan, cho rằng không cần điều trị bệnh cũng tự khỏi. Có người sợ thuốc độc thần kinh, sợ nghiện, sợ tốn kém nên không tiếp tục điều trị hoặc người thân cản trở điều trị. Một khó khăn khác là bệnh nhân không biết khám ở đâu, ở chuyên khoa nào, nhiều trường hợp bị trầm cảm nhưng biểu hiện nổi bật là các triệu chứng đau đầu, đau lưng, đau ngực, bụng, khớp... nên đi khám các chuyên khoa khác.
PGS.TS Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm bộ môn Tâm Thần - Bệnh viện 103 trình bày đề tài nghiên cứu khoa học về "Cập nhật mới về các rối loạn trầm cảm" tại Hội nghị khoa học Y - Dược năm 2019. |
Vì vậy, khi có các triệu chứng bệnh cơ thể nhưng khám không phát hiện ra bệnh cơ thể thì cần cảnh giác với các bệnh lý tâm thần nói chung, đặc biệt là trầm cảm. “Không điều trị hoặc điều trị không thỏa đáng có thể làm cho bệnh trở thành mạn tính (có nghĩa là tiến triển lâu dài, thậm chí cả đời); có thể dẫn đến kháng thuốc làm cho việc điều trị trở nên không có kết quả. Trong trường hợp này cần nhập viện điều trị, việc điều trị phải rất tích cực, quyết liệt mới có thể giải quyết được” - PGS, TS Cao Tiến Đức cảnh báo.
Hậu quả do trầm cảm gây ra rất nặng nề, trước hết ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, quan hệ của người bệnh với người thân trong gia đình; công việc bị ảnh hưởng. Bệnh tiến triển nặng bệnh nhân sẽ ngồi một chỗ, cho đến nằm một chỗ, ăn uống kém thậm chí không ăn, dẫn đến suy kiệt và tử vong, một số khác có thể có ý nghĩ tiêu cực, tự hủy hoại thân thể (tự làm tổn thương cơ thể, thậm chí tự sát). Nhiều trường hợp còn nguy hiểm cho gia đình và xã hội như: hiện tượng tự sát mở rộng - tức là sẽ có một số người thường là người thân sẽ bị chết cùng người bệnh. Gần đây, nhiều trường hợp như vậy đã xảy ra ở Việt Nam. Lúc này, cần có sự tuyên truyền của thầy thuốc chuyên khoa tâm thần, các tổ chức xã hội, tổ chức quần chúng và cả những người thân của gia đình người bệnh. Không nên xem nhẹ trầm cảm, cần quan tâm chữa trị có hiệu quả bệnh lý này.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc