Multimedia Đọc Báo in

Cần siết chặt việc cấp chứng chỉ hành nghề y (Kỳ 1)

07:03, 23/06/2020

Khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân có vai trò đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã quy định rõ về việc cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ nhằm kiểm soát chất lượng hành nghề phù hợp với kiến thức và kỹ năng được đào tạo, thế nhưng trong thực tế, việc cấp chứng chỉ này vẫn còn những lỗ hổng.

Kỳ 1: "Mua"... chứng chỉ hành nghề y

Không trực tiếp nộp hồ sơ, không thực hành, thậm chí chưa từng đặt chân đến bệnh viện, chỉ cần bỏ ra số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng, nhiều bác sĩ đa khoa vẫn có được chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (CCHN).

Thực hành “nháp”, chứng chỉ thật

Trong đợt kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với công tác xác nhận thời gian thực hành để cấp CCHN tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) vùng Tây Nguyên, Thanh tra Sở Y tế đã phát hiện những “điểm mờ” trong việc bác sĩ (BS) ở tỉnh ngoài thực hành ở đây, qua xác minh ban đầu càng bộc lộ rõ những điểm “bất thường”.

Các bác sĩ đa khoa trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề phải trải qua 18 tháng thực hành tại cơ sở khám chữa bệnh có giường bệnh.
Các bác sĩ đa khoa trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề phải trải qua 18 tháng thực hành tại cơ sở khám chữa bệnh có giường bệnh.

Qua thông tin trên mạng, cuối năm 2017, BS Huỳnh Văn Bình (SN 1985, trú tỉnh Lâm Đồng) đã liên hệ với một tài khoản Facebook tên Như Ý để được hỗ trợ làm CCHN trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ. BS Bình đã gặp bà Ý tại TP. Hồ Chí Minh, gửi hồ sơ (bằng cấp, hợp đồng thực hành, quyết định…) đầy đủ theo yêu cầu, một thời gian sau được bà Ý giới thiệu liên lạc với bà Lê Thị Ánh Hồng (tự xưng là bác sĩ chuyên khoa da liễu, ở tỉnh Đắk Lắk) qua điện thoại để tiến hành việc làm CCHN. Bà Hồng cho biết chỉ có thể làm CCHN tại Đắk Lắk vì BS Bình không có hộ khẩu tại TP. Hồ Chí Minh, còn địa phương BS Bình đang ở không thể cấp CCHN do bệnh viện không có khoa thẩm mỹ.

Để tăng độ tin cậy, bà Hồng cho BS Bình xem một số trường hợp đã hỗ trợ làm CCHN thành công, đồng thời cam kết tất cả đều có hồ sơ gốc đầy đủ và hợp lệ. Sau khi thương thảo, BS Bình chấp nhận chi số tiền 220 triệu đồng để bà Hồng làm thủ tục cấp CCHN. Số tiền này được chuyển 3 lần vào tài khoản mang tên Lê Thị Ánh Hồng tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam.

Đến tháng 7-2018, bà Hồng gọi BS Bình lên Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Đắk Lắk (nay là BVĐK vùng Tây Nguyên) bổ sung hồ sơ cho Phòng Tổ chức cán bộ. Bổ sung hồ sơ xong BS Bình nhận quyết định tiếp nhận và phân công người hướng dẫn thực hành tại Khoa Chấn thương chỉnh hình (quyết định do Giám đốc bệnh viện ký) rồi trực tiếp nộp quyết định cho Khoa Chấn thương chỉnh hình của bệnh viện và tham gia thực hành. Sau 2 đợt thực hành với thời gian khoảng 1 tháng, BS Bình được bà Hồng thông báo thời gian thực hành đủ rồi và có thể về. Từ đó về sau bà Hồng làm toàn bộ thủ tục, hồ sơ còn lại.

Tháng 1-2019, bà Ý giao cho BS Bình CCHN số 008500/ĐL-CCHN ngày 17-11-2019 do Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cấp. Đến ngày 20-3-2019, bà Ý tiếp tục chuyển cho BS Bình Quyết định số 03a/QĐNV-BVVTN ngày 26-2-2019 của BVĐK vùng Tây Nguyên về việc chấm dứt hợp đồng thực hành khám bệnh, chữa bệnh.

Đồng tiền đi liền... chứng chỉ

Tháng 9-2018, thông qua bạn bè giới thiệu, BS Hứa Chí Cường (SN 1981, ở TP. Hồ Chí Minh) liên hệ với một người có tên Như Ý nhờ hỗ trợ làm CCHN phục vụ công việc trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ. Hai bên thỏa thuận tổng chi phí cho dịch vụ làm CCHN là 300 triệu đồng, trả thành 2 đợt (đợt 1 đưa 150 triệu, sau khi có CCHN đưa nốt 150 triệu còn lại), việc làm hồ sơ, thủ tục thực hành, xác nhận thực hành cũng như thủ tục đề nghị Sở Y tế Đắk Lắk cấp CCHN do bên cung ứng dịch vụ tự thực hiện.

BVĐK vùng Tây Nguyên - nơi có quyết định cho 4 bác sĩ tỉnh ngoài tham gia thực hành.
BVĐK vùng Tây Nguyên - nơi có quyết định cho 4 bác sĩ tỉnh ngoài tham gia thực hành.

Không lâu sau, bà Ý giao cho BS Cường CCHN do Sở Y tế Đắk Lắk cấp và một số giấy tờ khác như: hợp đồng thực hành khám bệnh, chữa bệnh tại BVĐK vùng Tây Nguyên; quyết định tiếp nhận, phân công hướng dẫn thực hành tại Khoa Chấn thương chỉnh hình đều có chữ ký xác nhận của Giám đốc BVĐK vùng Tây Nguyên. Đến tháng 3-2019, bà Ý giao thêm cho BS Cường quyết định chấm dứt hợp đồng thực hành tại BVĐK vùng Tây Nguyên.

Cũng với cách làm tương tự, thông qua bà Ý và bà Hồng, sau khi bỏ ra số tiền 300 triệu đồng, BS Huỳnh Thanh Giàu (SN 1976, ở Đồng Tháp) đã “sở hữu” CCHN do Sở Y tế Đắk Lắk cấp và hợp đồng thực hành khám bệnh, chữa bệnh tại BVĐK vùng Tây Nguyên cùng quyết định chấm dứt hợp đồng thực hành khám bệnh chữa bệnh đều có chữ ký xác nhận của Giám đốc BVĐK vùng Tây Nguyên.

Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, bác sĩ đa khoa phải trải qua 18 tháng thực hành tại cơ sở khám chữa bệnh có giường bệnh mới được cấp CCHN.

Điều đáng nói là từ khi giao dịch với bà Ý đến lúc nhận được CCHN và các giấy tờ liên quan, cả BS Hứa Chí Cường và Huỳnh Thanh Giàu đều chưa một ngày tham gia thực hành tại Khoa Chấn thương chỉnh hình (BVĐK vùng Tây Nguyên); không trực tiếp nộp hồ sơ hay ký tên trên bất kỳ giấy tờ nào. Song toàn bộ CCHN và các giấy tờ liên quan họ nhận được đều là giấy tờ hợp pháp.

Trong đợt kiểm tra nói trên, Thanh tra Sở Y tế còn phát hiện trường hợp BS Lê Anh Tài (SN 1978, ở Thừa Thiên Huế) không tham gia thực hành tại BVĐK vùng Tây Nguyên nhưng vẫn được xác nhận thực hành và cấp CCHN. Thanh tra Sở Y tế đã gửi giấy mời và liên lạc qua điện thoại mời BS Tài đến để làm rõ các nội dung có liên quan, nhưng người này không đến và hiện số điện thoại cũng không liên lạc được.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Nâng cao vai trò quản lý nhà nước

Kim Ngọc

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.