Multimedia Đọc Báo in

Không chủ quan với bệnh Parkinson

06:12, 04/09/2020

Parkinson (liệt rung) không phải là bệnh nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ diễn tiến ngày càng nặng theo thời gian, gây cản trở đến công việc, sinh hoạt hằng ngày, làm giảm chất lượng cuộc sống...

Năm 2010, bà Nguyễn Thị Thuận (SN 1952, trú phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) đi khám mắt. Tại đây, các bác sĩ phát hiện có vấn đề về thần kinh nên khuyên bà đi khám chuyên khoa và sau đó bà được kết luận mắc bệnh Parkinson. Bà Thuận chia sẻ: “Trong sinh hoạt hằng ngày, tôi không biết mình mắc bệnh, chỉ khi nào lo lắng hoặc phải tập trung vào một vấn đề gì đó thì đầu tôi bắt đầu rung lên, lắc lư mà tôi không kiểm soát được. Sau khi biết mình mắc bệnh, tôi đã ra phòng khám tư mua thuốc uống nhưng không đỡ. Rồi tôi đến điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền, đến nay tôi đã điều trị được 10 năm. Khoảng thời gian đầu khi mới điều trị bệnh của tôi thuyên giảm rất nhiều. Năm 2015, gia đình tôi gặp biến cố lớn nên bệnh lại trở nặng. Bây giờ tôi vẫn đang tích cực điều trị theo sự hướng dẫn của các bác sĩ”.

Bệnh nhân mắc Parkinson được bác sĩ điều trị bằng phương pháp laser nội mạch.
Bệnh nhân mắc Parkinson được bác sĩ điều trị bằng phương pháp laser nội mạch.

Hay như ông Vũ Huy Toàn (SN 1946, trú huyện Ea Kar) phát hiện bị run tay, chân cách đây 10 năm. Tuy nhiên, do chủ quan cho rằng bệnh không gây nguy hiểm nên ông không đi điều trị. Bây giờ bệnh trở nặng, mọi việc lớn nhỏ từ ăn uống, vệ sinh cá nhân… ông Toàn đều phải nhờ con cháu giúp vì tay, chân rung không cầm nắm được, đi lại rất khó khăn. Tương tự, khoảng 4 năm trước, mẹ chị Phan Thị Tuyết Trắng (ở huyện Cư Kuin) phát hiện bị run tay, chân. Chị Tuyết cho biết: “Lúc đầu bệnh còn nhẹ, dần dần tứ chi của mẹ tôi không còn hoạt động được như ý muốn của bà, mọi việc mẹ tôi làm đều chậm gấp 10 lần bình thường, đi lại khó khăn, mọi sinh hoạt hằng ngày cũng phải nhờ con cháu giúp. Điều đó khiến mẹ tôi rất buồn phiền. Gần đây bệnh tình trở nặng, chúng tôi phải đưa bà vào nhập viện điều trị”.

Theo bác sĩ CKI Phạm Ngọc Liễu, Trưởng Khoa Lão khoa Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, bệnh Parkinson (còn gọi là liệt rung) là một bệnh thần kinh xảy ra do các tế bào của liềm đen bị thoái hóa nên không sản xuất đủ lượng dopamine (DPM) cần thiết cho cơ thể. DPM đảm nhiệm vai trò dẫn truyền tín hiệu thần kinh từ tế bào này sang tế bào khác, giúp tế bào não chỉ huy và kiểm soát cử động của các cơ bắp, đặc biệt là chân tay và mặt. Hậu quả khiến người bệnh mất điều khiển vận động, dẫn tới vận động chậm chạp, run và co cứng cơ ngoại tháp gây trở ngại lớn tới sinh hoạt và công việc hằng ngày của người bệnh. Bệnh Parkinson tiến triển nặng dần trong vài năm cho đến vài chục năm và đa số người bệnh ở giai đoạn cuối cùng đều bị mất khả năng vận động. Việc điều trị bệnh chủ yếu là sử dụng thuốc và các biện pháp không dùng thuốc như từ trường, laser nội mạch, châm cứu… để hạn chế tiến triển của bệnh và ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.

Bác sĩ châm cứu cho bệnh nhân mắc bệnh Parkinson.
Bác sĩ châm cứu cho bệnh nhân mắc bệnh Parkinson.

 “Bệnh Parkinson là bệnh mạn tính, cho đến nay y học hiện đại chưa có cách nào để phòng ngừa và chữa khỏi hẳn được bệnh này. Do đó, bệnh cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời nhằm hạn chế tiến triển của bệnh. Điều quan trọng bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ chỉ định của bác sĩ vì các thuốc điều trị có thể làm giảm triệu chứng của bệnh rất tốt. Các biện pháp phục hồi chức năng cần được thực hiện song hành với điều trị thuốc để khắc phục những tàn tật do bệnh gây nên. Mục đích của vật lý trị liệu là làm giảm tính co cứng, tập luyện các cử động nhịp nhàng và điều hòa phù hợp của các chi để duy trì sự hoạt động thể chất, từ đó tạo ảnh hưởng tốt đối với tâm lý của người bệnh. Ngoài ra, người bệnh nên có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi phù hợp để làm tăng hiệu quả điều trị”, bác sĩ Liễu nhấn mạnh.

Bệnh Parkinson khởi đầu khó nhận biết với các triệu chứng không điển hình như vô cảm, mệt mỏi, ít linh hoạt. Bệnh rất khó phát hiện trên các xét nghiệm hay chẩn đoán hình ảnh mà chủ yếu bằng cách khám lâm sàng qua các triệu chứng của bệnh nhân.

Phương Nhiên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.