Multimedia Đọc Báo in

Huyện vùng xa ứng phó với bệnh bạch hầu

10:34, 31/08/2020

Những ngày này, huyện vùng sâu M’Drắk đang gấp rút triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn, không để dịch lây lan rộng trong cộng đồng.

Ngày 12-7-2020, huyện M’Drắk ghi nhận 2 ca bệnh đầu tiên mắc bệnh bạch hầu tại thôn 7, xã Cư Króa. Sau đó, bệnh liên tiếp xuất hiện tại nhiều nơi trên địa bàn. Tính đến thời điểm hiện tại (30-8), toàn huyện M’Drắk đã ghi nhận 9 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu ở 4 ổ dịch tại 4 xã Cư Króa, Krông Jing, Ea M’Đoal, Cư Prao và 2 trường hợp nghi ngờ (đang chờ kết quả xét nghiệm) tại thôn 9, xã Cư Króa và thôn Ea Bra, xã Ea Trang. Hiện M’Drắk đang là địa phương thứ hai ghi nhận nhiều ca bệnh bạch hầu (sau huyện Krông Bông). Đáng chú ý, hầu hết các ổ dịch nói trên không có yếu tố dịch tễ liên quan đến nhau, các trường hợp mắc bệnh cũng không có sự tiếp xúc với người bệnh trước đó.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh bạch hầu, ngành Y tế huyện M’Drắk đã tích cực triển khai các biện pháp cấp bách để ngăn chặn dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng: lấy mẫu xét nghiệm bạch hầu đối với những người tiếp xúc gần với các bệnh nhân; phun thuốc khử khuẩn tại gia đình các bệnh nhân và khu vực xung quanh; tổ chức cho người dân ở các khu vực  gần ca bệnh uống kháng sinh dự phòng; triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho nhân dân ở địa bàn có ổ dịch. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kết hợp cả truyền thông trực tiếp và truyền thông gián tiếp để nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống dịch bệnh bạch hầu.

d
Khu điều trị riêng biệt các trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu tại Trung tâm Y tế huyện M'Drắk.

Xác định việc tiêm vắc xin cho người dân là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh bạch hầu, Trung tâm Y tế huyện đã chỉ đạo các Trạm Y tế xã nhanh chóng triển khai công tác tiêm chủng vắc xin phòng bệnh, trong đó ưu tiên tiêm chủng tại các địa bàn có dịch và địa bàn có nguy cơ cao (5 thôn của xã Cư San giáp ranh với 2 xã có ổ dịch của huyện Krông Bông).

Tại xã Cư Prao - địa bàn vừa ghi nhận trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu tại buôn Năng, nhờ đẩy mạnh truyền thông, công tác tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bạch hầu đã được đa số người dân đồng tình hưởng ứng. Khi được thông báo lịch tiêm chủng, bà con đều sắp xếp công việc, đến trạm Y tế đúng giờ và ngồi theo vị trí quy định chờ đến lượt tiêm. Chị Hồ Thị Huyền (thôn 5) tâm sự rằng, khi nghe thông tin trên địa bàn xã có trường hợp mắc bạch hầu chị cảm thấy rất lo lắng. Do đó, khi được cán bộ y tế thông báo có lịch tiêm miễn phí tại xã, các thành viên trong gia đình sắp xếp việc nương rẫy để đi tiêm đúng giờ. Nhà chị có 5 thành viên nằm trong diện tiêm chủng gồm hai vợ chồng và 3 con. Chị còn vận động người thân, người dân xung quanh cùng chấp hành việc tiêm chủng để phòng bệnh. Tương tự, ngay từ 7 giờ sáng, bà Vũ Thị Nhạn (thôn 1) đã có mặt tại Trạm Y tế xã để tiêm vắc xin ngừa bạch hầu. Bà chia sẻ, gia đình bà có 3 người được tiêm trong đợt này, ngoài ra đứa cháu ngoại ở huyện Krông Năng vừa rồi về chơi trong thời điểm trên địa bàn xã có dịch nên bà cũng đưa đi tiêm chủng đợt này luôn.

d
Cán bộ Trạm Y tế xã Cư Prao khám sàng lọc cho người dân.

Cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động phòng chống dịch tại các xã, thị trấn, tại Trung tâm Y tế huyện cũng triển khai chặt chẽ việc phân luồng lối đi riêng cho bệnh nhân, hướng dẫn người bệnh, người chăm bệnh đeo khẩu trang khi vào viện,  giữ khoảng cách giữa người với người và không tập trung đông người. Đối với các trường hợp có biểu hiện triệu chứng của bệnh bạch hầu sẽ được thăm khám tại phòng khám riêng và được theo dõi, điều trị ở khu vực cách ly nằm tách biệt với các khoa, phòng khác nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm chéo tại cơ sở điều trị. Đồng thời chú trọng khám sàng lọc, phát hiện kịp thời ca bệnh mới để lấy mẫu xét nghiệm và có hướng xử lý nhanh các ổ dịch để tránh lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

d
Cán bộ y tế tiêm vắc xin phòng ngừa bạch hầu cho người dân xã Cư Prao.

Theo bác sĩ Lê Thị Thủy, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện M’Drắk, khi phát hiện những ca nhiễm hoặc nghi nhiễm, Trung tâm đã xử lý hết sức kịp thời, quyết liệt, triệt để từ việc giám sát, cách ly, xử lý môi trường tại cộng đồng đến điều trị, uống thuốc dự phòng và lập danh sách các độ tuổi của người dân để triển khai tiêm chủng. Đến hiện tại, Trung tâm đã cơ bản hoàn thành tiêm vắc xin mũi một tại 4 xã có ổ dịch và 5 thôn nguy cơ cao của xã Cư San với tỷ lệ trên 95% dân số và đang tiến hành tiêm vét mũi 1, tiêm mới mũi 2  tại những địa bàn này. 

Cùng với đó, Trung tâm cũng đặc biệt lưu ý đến công tác truyền thông. Ngoài các hình thức truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông theo chuyên đề bằng các thứ tiếng H’mông, Êđê mà Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã soạn thảo, Trung tâm sẽ huy động sự vào cuộc của các già làng, chức sắc tôn giáo trong buổi sinh hoạt cộng đồng để người dân ý thức được việc tự phòng chống và thực hiện các khuyến cáo của ngành Y tế về phòng chống dịch bạch hầu.

Hoàng Kim Ngọc

 

 


Ý kiến bạn đọc