Vật lý trị liệu giúp điều trị thoái hóa cột sống hiệu quả
Thoái hóa cột sống là bệnh khá thường gặp, chiếm 2/3 trong tổng số các bệnh khớp do thoái hóa. Trong đó, thoái hóa cột sống thắt lưng đứng hàng thứ nhất, chiếm 83% trong số các bệnh thoái hóa khớp.
Bệnh gây khó chịu cho người bệnh, làm giảm khả năng lao động và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến chức năng vận động.
Tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2020 đã khám và điều trị cho 1.570 trường hợp bị đau lưng do chấn thương cột sống. Thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm đang có xu hướng trẻ hóa, không chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi mà ngay cả ở những người trẻ tuổi. Nguyên nhân chính là do độ tuổi, thoái hóa tế bào, môi trường công việc, thói quen sinh hoạt, mang vác nặng, sai tư thế, ít vận động, chế độ ăn uống không hợp lý, béo phì… Thoái hóa cột sống lưng diễn ra âm thầm từ từ, ban đầu chỉ là những cơn đau thắt lưng thoáng qua rồi dần dần gây cho người bệnh những cơn đau nhức âm ỉ, ê buốt kéo dài khiến người bệnh vận động khó khăn, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Đây là bệnh khó điều trị dứt điểm và dễ tái phát nếu lựa chọn phương pháp điều trị không hiệu quả.
Tập luyện vật lý trị liệu góp phần cải thiện tình trạng cột sống của người bệnh. Ảnh: Quang Nhật |
Theo các bác sĩ chuyên khoa xương khớp, hơn 90% bệnh nhân mắc bệnh cột sống có thể điều trị bảo tồn để chữa đau mà không cần sự can thiệp của phẫu thuật. Như vậy, phẫu thuật thoát vị đĩa đệm không phải là phương pháp ưu tiên. Chỉ dưới 10% bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cần tiến hành phẫu thuật. Người bệnh thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm tùy thuộc vào tình trạng hoặc giai đoạn bệnh nặng hay nhẹ sẽ được xét nghiệm, chẩn đoán để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Trong đó, vật lý trị liệu là phương pháp mang lại hiệu quả nhất trong điều trị thoái hóa cột sống.
Phó Khoa Phục hồi chức năng (Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh) Ngô Thanh Tân cho biết, vật lý trị liệu là phương pháp điều trị sử dụng các nguyên lý như cơ học, nhiệt độ, dòng điện, các loại tia, sóng âm hoặc sóng từ trường… Hiệu quả của phương pháp này là giúp cho cơ được thư giãn, giảm đau, duy trì tầm vận động cột sống, phòng ngừa biến dạng cột sống, thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục bệnh thoái hóa cột sống lưng. Đặc biệt, các bài tập vật lý trị liệu sẽ giúp cột sống của người bệnh được linh hoạt và kéo giãn một cách hiệu quả. Đây là yếu tố quan trọng giúp ngăn chặn sự tác động không mong muốn của những chiếc gai xương cột sống đến hệ thần kinh và tủy sống của người bệnh một cách hiệu quả.
Thường xuyên tập luyện vật lý trị liệu góp phần cải thiện tình trạng cột sống của người bệnh và làm giảm đi những biến chứng nặng nề do quá trình thoái hóa cột sống gây ra. Tuy nhiên, việc sử dụng vật lý trị liệu để giảm thoái hóa cột sống lưng không thể làm hết bệnh ngay lập tức. Người bệnh nên kết hợp với các phương pháp điều trị bằng thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ điều trị.
Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng bệnh thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, cần phải đảm bảo an toàn lao động, tránh các tư thế mang vác nặng; đối với nhân viên văn phòng, sau 2 giờ làm việc nên nghỉ giải lao để vận động cột sống. Tránh nằm các nệm lún làm mất đi đường cong sinh lý cột sống; duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt, tập luyện thể dục thể thao phù hợp để giữ cho cột sống được tốt hơn. Đồng thời, nên tham gia các câu lạc bộ tập dưỡng sinh tâm thể để có sức khỏe dẻo dai và bền vững.
Liên Chi
Ý kiến bạn đọc