Multimedia Đọc Báo in

Điều trị suy tĩnh mạch chi dưới bằng sóng có tần số radio

06:15, 22/11/2020

Suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới là bệnh lý khá phổ biến ở Việt Nam và trên thế giới, ước tính tỷ lệ mắc vào khoảng 30% ở người trưởng thành và khoảng 50% ở người cao tuổi; tuy nhiên có đến 65% trường hợp không biết mình bị bệnh.

Suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới là tình trạng suy giảm chức năng hệ tĩnh mạch chi dưới do suy các van thuộc hệ tĩnh mạch nông, sâu có thể kèm theo thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch hoặc không. Có nhiều yếu tố nguy cơ gây nên chứng suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới như: tuổi tác, bệnh béo phì, chế độ ăn uống… Suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh, đặc biệt có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng như: loét khó liền, huyết khối thuyên tắc tĩnh mạch, đoạn chi.

Theo các bác sĩ chuyên khoa tim mạch, triệu chứng của suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới rất đa dạng, từ mức độ nhẹ không triệu chứng đến mức độ nặng hơn với các biểu hiện tức nặng ở chân, giãn tĩnh mạch dạng chân chim, phù, loét. Các triệu chứng mà bệnh nhân có thể thấy được rõ ràng như tức nặng, cảm giác khó chịu, không thoải mái ở tư thế đứng, giảm khi ngồi gác cao chân. Tăng cảm, dị cảm dọc theo tĩnh mạch nông bị giãn, cảm giác bồn chồn, chuột rút về đêm, ngứa. Tĩnh mạch nổi trên da ngoằn nghèo, phù quanh mắt cá, tăng lên trong ngày. Viêm da sắc tố, chàm tĩnh mạch, teo cơ trắng, viêm xơ mỡ, loét quanh mắt cá…

Khi có một trong những triệu chứng trên cần nghĩ đến suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới và phải được bác sĩ thăm khám và tiến hành siêu âm tĩnh mạch chi dưới để chẩn đoán xác định.

Bác sĩ Trần Ngọc Hội, khoa Nội tim mạch (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cho biết, bệnh nhân suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới có thể điều trị bằng các biện pháp không dùng thuốc như kiểm soát các yếu tố nguy cơ (chế độ duy trì khôi phục cân nặng hợp lý, tránh duy trì tư thế đứng hoặc ngồi quá lâu, đeo tất áp lực khi mang thai…) hoặc dùng các loại thuốc hỗ trợ sức bền thành tĩnh mạch như Rutin C, Daflon, Vitamin C…

Điều trị cho bệnh nhân suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới bằng sóng có tần số radio.
Điều trị cho bệnh nhân suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới bằng sóng có tần số radio.

Trước đây, khi tĩnh mạch suy từ độ C2 trở lên, bệnh nhân thường được điều trị bằng các phương pháp truyền thống như chỉ định tiêm xơ tĩnh mạch hoặc phẫu thuật Stripping lột bỏ tĩnh mạch suy giãn. Tuy nhiên, phương pháp tiêm xơ chỉ hiệu quả với những tĩnh mạch nhỏ,  tỷ lệ tái phát bệnh cao, hay gây rối loạn sắc tố da làm mất thẩm mỹ. Phương pháp phẫu thuật ít được áp dụng vì những nhược điểm: phải gây tê tủy sống, rút bỏ tĩnh mạch làm tổn thương thần kinh gây đau kéo dài, rối loạn sắc tố da, chảy máu, nhiễm trùng, thời gian nằm viện kéo dài.

Mới đây, với sự hỗ trợ chuyên môn của Viện Tim mạch Việt Nam (Bệnh viện Bạch Mai), các y bác sĩ khoa Nội tim mạch (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) đã triển khai kỹ thuật điều trị suy tĩnh mạch chi dưới bằng sóng có tần số radio. Đây là phương pháp hiện đại nhất, chỉ định IA, có ưu điểm can thiệp tối thiểu, đã áp dụng trên thế giới có hiệu quả từ những năm 1990, ở Việt Nam từ năm 2011 tại Bệnh viện Bạch Mai. Theo đó, bác sĩ sẽ tiếp cận tĩnh mạch suy của bệnh nhân chỉ bằng kim chọc mạch theo phương pháp seldinger, sau đó luồn sợi đốt và phát năng lượng sóng có tần số radio vào trong tĩnh mạch gây ra phản ứng viêm và hệ quả là tĩnh mạch suy giãn sẽ teo lại hình thành mô xơ không hồi phục. Kỹ thuật được tiến hành dưới hướng dẫn của siêu âm và chỉ sử dụng gây tê ngoài da, bệnh nhân có thể xuất viện trong ngày mà không cần theo dõi nội trú.

Liên Chi

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.