Vai trò dinh dưỡng trong điều trị bệnh
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong điều trị toàn diện cho bệnh nhân. Dinh dưỡng hợp lý có tác dụng giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục, tăng sức đề kháng và giảm chi phí điều trị.
Thực tế cho thấy có một số bệnh nhân đái tháo đường rất sợ ăn, kiêng khem và không dám ăn nhiều loại thực phẩm. Việc này lâu dài sẽ làm cho cơ thể thiếu các chất dinh dưỡng và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Hoặc bệnh nhân thiếu kiến thức về giá trị dinh dưỡng của từng loại thực phẩm, ăn ít cơm nhưng lại ăn nhiều miến, hoặc ăn quá nhiều khoai củ ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả điều trị bệnh, dẫn đến các biến chứng…
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 80% bệnh tim mạch giai đoạn đầu, đột quỵ và đái tháo đường tuýp 2 và trên 40% bệnh ung thư có thể được phòng ngừa thông qua chế độ ăn uống hợp lý, hoạt động thể lực đều đặn, không hút thuốc lá. Ngoài việc sử dụng thuốc hoặc điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau thì người bệnh phải duy trì một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý. Đặc biệt lưu ý một số chất dinh dưỡng có thể tạo ra sự tương tác không tốt với việc sử dụng thuốc.
Việc cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý giúp tăng cường miễn dịch, rút ngắn thời gian điều trị cho người bệnh. |
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Vinh, Trưởng Phòng điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, dinh dưỡng là phương pháp điều trị chủ yếu trong một số bệnh bởi chế độ dinh dưỡng trong điều trị có tác động đến căn nguyên gây bệnh, đến cơ chế điều hòa, cũng như khả năng phản ứng, bảo vệ cơ thể. Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh dinh dưỡng có vai trò rất lớn trong điều trị như suy dinh dưỡng do thiếu năng lượng; thừa cân, béo phì do thừa năng lượng; các bệnh do thiếu vitamin A, B, C, D…, thiếu vi chất: sắt, kẽm, canxi… Nếu dinh dưỡng tốt sẽ góp phần nâng cao sức đề kháng của cơ thể chống lại bệnh tật.
Theo các bác sĩ, việc cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý đã giúp tăng cường miễn dịch rút ngắn thời gian điều trị, giảm biến chứng, giảm chi phí điều trị, giảm tỷ lệ tử vong. Ngoài ra, việc sử dụng dinh dưỡng trong điều trị còn có tác dụng điều hòa các rối loạn chuyển hóa làm giảm một số bệnh do chúng gây ra, đặc biệt là trong điều trị bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thận, suy tim, bệnh lý về gan, dạ dày… Trong điều trị một số bệnh lý như: chấn thương phần mềm, gãy xương, suy nhược cơ thể sau sốt rét, sau mổ, sau nhiễm khuẩn nặng... nếu sử dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp vết thương mau lành, sức khỏe hồi phục nhanh hơn.
Ngoài ra, thực hiện chế độ dinh dưỡng đúng và hợp lý sẽ giúp cơ thể duy trì khả năng miễn dịch nhằm phòng tránh các bệnh nhiễm trùng và các bệnh do thiếu hoặc thừa dinh dưỡng gây ra. Theo nghiên cứu của các chuyên gia về dinh dưỡng thì giữa chế độ ăn uống và một số bệnh mạn tính như: béo phì, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh mạch vành, ung thư… có mối liên quan.
Thầy thuốc khi quyết định liều lượng thuốc, chế độ lao động, thể dục… đều phải dựa vào tình hình thể lực và khả năng ăn uống của bệnh nhân. Xác định nhu cầu dinh dưỡng, chất lượng thực phẩm, cách thức chế biến để giữ được giá trị dinh dưỡng và tạo ra các món ăn ngon, hợp khẩu vị người bệnh, ấn định số lượng mỗi bữa ăn, số lần và giờ giấc cho ăn, tất cả đều phải được thực hiện nghiêm túc như một mệnh lệnh điều trị để đảm bảo có đủ sức khỏe cho người bệnh.
Liên Chi
Ý kiến bạn đọc