Dấu hiệu nhận biết và cách sơ cứu khi bị ngộ độc thực phẩm
Thị trường sản xuất, kinh doanh thực phẩm phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 trên địa bàn tỉnh bắt đầu sôi động.
Đây cũng là thời điểm các loại hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm trà trộn để đưa ra thị trường. Cùng với đó, đây cũng là thời điểm thời tiết chuyển mùa, thuận lợi cho vi khuẩn phát triển nên nhiều thực phẩm rất dễ mốc, nếu chế biến và bảo quản không đúng cách sẽ dễ gây ngộ độc cho người sử dụng.
Theo bác sĩ CKII Trịnh Hồng Nhựt, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, thời điểm dịp Tết Nguyên đán rất dễ xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm bởi thời tiết đông – xuân là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển nên nhiều thực phẩm rất dễ mốc, vi khuẩn dễ xâm nhập gây ngộ độc cho người sử dụng. Hơn nữa, vào dịp Tết, nhiều người dân vẫn có thói quen dự trữ thực phẩm nhiều để dùng dần.
Bên cạnh đó, các sản phẩm như bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát... dễ bị làm giả, làm nhái rất nhiều. Khi người dân ăn hoặc uống các thực phẩm bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc có chứa chất gây ngộ độc như thức ăn bị ôi thiu, lên mốc hoặc thức ăn mới nhưng có chứa các chất bảo quản, phụ gia độc hại... sẽ dễ dẫn tới ngộ độc thực phẩm.
Thông thường, sau khi ăn hoặc uống các thực phẩm vài phút, vài giờ hoặc vài ngày người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng rối loạn về đường tiêu hóa. Tùy theo từng nguyên nhân, mức độ nặng của bệnh mà xuất hiện các biểu hiện như: buồn nôn, nôn, đau bụng (đau quặn từng cơn), đi đại tiện nhiều nước, phân có thể có máu, có thể có sốt. Thực tế, khi có các biểu hiện của ngộ độc thực phẩm, nhiều bệnh nhân vẫn chủ quan, chỉ ở nhà tự mua thuốc uống mà không biết rằng nếu đến cơ sở y tế muộn có thể gây ảnh hưởng toàn thân như rối loạn ý thức, trụy mạch, hôn mê, ngừng thở… và tử vong.
Lực lượng chức năng kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm tại siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột. Ảnh: Đình Thi |
Bác sĩ khuyến cáo, khi ăn, uống nhận thấy các thức ăn không đảm bảo như thức ăn cũ có vị chua, ôi thiu, mùi lạ... hoặc người bệnh có các dấu hiệu như: buồn nôn, nôn, đau bụng quằn quại, tiêu chảy... cần làm cho chất độc hại thoát ra ngoài càng nhanh càng tốt. Có thể dùng hai ngón tay ngoáy móc họng nhẹ nhàng để kích thích nôn hết thức ăn ra ngoài, tránh làm quá mạnh sẽ gây tổn thương vùng hầu họng. Bệnh nhân cần nôn càng nhiều thức ăn trong dạ dày ra càng tốt. Trong lúc tiến hành gây nôn, cần đặt người bệnh nằm nghiêng, phần đầu kê hơi cao để chất thải khi nôn ra không bị trào ngược vào phổi, không kích thích quá mức gây sặc cho người bệnh. Với trường hợp bị ngộ độc thực phẩm đã hôn mê thì không nên thực hiện kích thích gây nôn vì sẽ dễ gây sặc, ngạt thở. Người bị ngộ độc có dấu hiệu mất nước nhiều như nôn ói nhiều, tiêu chảy nhiều, cần phải bổ sung nước kịp thời như uống nhiều dung dịch oresol, nước cháo, nước cam, nước dừa sau mỗi lần nôn hay đi ngoài. Nên đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất vì mặc dù đã tiến hành sơ cứu ban đầu, song bệnh nhân vẫn có thể gặp nguy hiểm và biến chứng bất cứ lúc nào.
Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, việc quan trọng là phải biết chọn mua thực phẩm an toàn. Hãy mua thực phẩm ở thương hiệu uy tín từ cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại để được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng sản phẩm. Các loại rau, quả tươi phải giữ nguyên trạng thái tự nhiên, không dập nát, không có mùi lạ. Khi lựa chọn mua thực phẩm đóng hộp, đóng gói sẵn, cần nhận diện thông tin về nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác đầy đủ rõ ràng trên sản phẩm, cơ sở sản xuất kinh doanh, thông tin về chất lượng, hướng dẫn bảo quản sử dụng, hạn sử dụng trên nhãn. Ngoài ra, các thức ăn cần được nấu chín để loại trừ nguy cơ bị ngộ độc.
Mai Lê
Ý kiến bạn đọc