Multimedia Đọc Báo in

Phát hiện và điều trị sớm dị tật bàn chân ở trẻ

06:37, 15/01/2021

Dị tật bàn chân là một trong những dị tật thường gặp ở trẻ sơ sinh. Bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ nhưng nếu không phát hiện và điều trị sớm, đúng phương pháp sẽ gây trở ngại đến sinh hoạt, ảnh hưởng tới khả năng vận động của trẻ, thậm chí có thể khiến trẻ mất khả năng đi lại.

Bác sĩ Nguyễn Sĩ Toàn Phong, Khoa Nhi sơ sinh (Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh) cho biết: Dị tật bàn chân ở trẻ sơ sinh thường gặp gồm: dị tật bàn chân vẹo trong, vẹo ngoài, bàn chân gập lưng và chân khoèo. Nguyên nhân gây nên dị tật bàn chân ở trẻ đến nay vẫn chưa được xác định rõ nhưng qua thực tế các ca lâm sàng cho thấy dị tật này có liên quan nhiều đến yếu tố di truyền. Nghiên cứu cho thấy ở những trường hợp có bố hoặc mẹ bị cong vẹo bàn chân lúc mới sinh thì tỷ lệ con sinh ra có bàn chân bị dị tật cao hơn. Ngoài ra, tư thế của trẻ trong tử cung cũng là một trong những nguyên nhân gây dị tật bàn chân ở trẻ. Giai đoạn thai kỳ, bàn chân bị chèn ép trong tử cung do nhiều yếu tố khác nhau như thai lớn ký, khung chậu của mẹ hẹp, sinh đôi, sinh ba… cũng khiến chân của trẻ bị biến dạng.

Trẻ sơ sinh cần được phát hiện sớm các dị tật về chân để can thiệp, điều trị sớm nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất. Nếu không can thiệp, sau này dị tật sẽ ảnh hưởng đến sự vận động, đi lại của trẻ. Ở mức độ nhẹ, trẻ sẽ đi hơi nghiêng. Tuy nhiên, nếu nặng hơn thì trẻ khó đi lại hoặc có thể không đi lại được. Nếu được phát hiện sớm, các phương pháp can thiệp sẽ đơn giản, hiệu quả cao hơn. Ngược lại, nếu can thiệp trễ có thể phải thực hiện các ca phẫu thuật phức tạp như cắt, nối gân…

Trẻ bị  dị tật bàn chân được điều trị tại Bệnh viện  Đa khoa Thiện Hạnh.
Trẻ bị dị tật bàn chân được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh.

Ở Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh, tất cả các trẻ sơ sinh đều được tầm soát dị tật bàn chân. Theo số liệu thống kê, trong năm 2020, tỷ lệ trẻ mắc tật chân vẹo trong, vẹo ngoài, gập lưng chiếm 7 - 10%, trẻ bị chân khoèo chiếm 0,1%. Khi phát hiện trẻ bị dị tật, bệnh viện sẽ tiến hành các biện pháp can thiệp sớm nhất. Cụ thể, nếu trẻ bị dị tật bàn chân vẹo trong, vẹo ngoài ở thể nhẹ, bác sĩ sẽ tiến hành mát-xa, làm mềm các vùng cơ bị co kéo, tập để kéo giãn gân gót, nắn chỉnh bàn chân bằng tay.

Trường hợp trẻ bị chân vẹo nặng hơn, các bác sĩ sẽ tiến hành điều trị bằng băng chỉnh hình; bàn chân trẻ sẽ được điều chỉnh và giữ ở vị thế đúng bằng đế giày nhựa cùng băng dính. Với trường hợp này, người nhà cần đưa trẻ đi khám định kỳ hằng tuần trong khoảng một vài tháng. Bác sĩ sẽ điều chỉnh nẹp sau mỗi lần, và tư thế chân của bé sẽ được cải thiện từ từ mỗi lần cho đến khi trở lại bình thường.

Trường hợp dị tật chân khoèo, trẻ sẽ được điều trị bằng phương pháp Ponseti, hiệu quả phục hồi đến 80 - 90%. Bác sĩ sẽ nắn chân của trẻ rồi đặt vào nẹp ở tư thế bình thường, một số trường hợp cần thiết sẽ có chỉ định phẫu thuật nhỏ để giải phóng gân achilles. Sau đó trẻ cần được đeo nẹp trong 3 tuần để hỗ trợ làm lành gân gót; đồng thời trẻ được mang giày đặc biệt có tác dụng cố định chân trong 23 giờ mỗi ngày, đi liên tục trong 2 - 3 tháng đầu, sau đó chỉ cần đeo trong lúc trẻ ngủ cho đến khi được 4 - 5 tuổi.

Thực tế, dị tật bàn chân không phải là một bệnh lý cấp tính, nguy hiểm nhưng sẽ gây tác động rất lớn đến cuộc sống của trẻ sau này, nhất là khả năng di chuyển, vận động đi lại. Do đó, bệnh cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng về sau. Tuy nhiên, hiện nay có không ít người vẫn cho rằng trẻ sinh ra chân cong, vẹo là bình thường, lớn lên chân tự thẳng, thậm chí thấy con bị băng chân khi còn rất nhỏ thấy tội nên chần chừ, không điều trị, chờ trẻ lớn hơn. Hoặc có gia đình giữ quan niệm kiêng khem, ở cữ nên không đưa trẻ đi tái khám đúng lịch hẹn khiến quá trình điều trị dị tật chân cho trẻ bị đứt quãng, làm khả năng hồi phục của trẻ bị ảnh hưởng.

“Khi mang thai, sản phụ nên tới các cơ sở y tế uy tín để thăm khám định kỳ nhằm phát hiện các bất thường, đồng thời nên tới cơ sở y tế để sinh con, nếu phát hiện trẻ có dị tật các bác sĩ sẽ can thiệp sớm, tránh làm mất giai đoạn vàng chữa trị cho trẻ. Các trường hợp sản phụ sinh con tại nhà, nếu phát hiện chân trẻ có điểm bất thường thì nên đưa trẻ tới bệnh viện để được các bác sĩ khám, chẩn đoán và điều trị sớm nhất”, bác sĩ Phong khuyến cáo.

Phương Nhiên

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.