Gia tăng tình trạng trẻ mắc bệnh tay chân miệng độ nặng
Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã ghi nhận 250 trường hợp trẻ mắc bệnh tay chân miệng, tập trung nhiều ở TP. Buôn Ma Thuột, TX. Buôn Hồ, các huyện Buôn Đôn, Cư M’gar.
Đáng chú ý là xuất hiện nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh tay chân miệng độ nặng khiến bệnh nhi dễ bị các biến chứng về thần kinh, tim mạch, phù phổi, suy hô hấp, sốc, suy tim, và đã ghi nhận một trường hợp trẻ tử vong vì bệnh tay chân miệng.
Tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận và điều trị cho 130 bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng và những ngày qua liên tục ghi nhận các trường hợp trẻ mắc bệnh này với độ nặng. Con anh Nguyễn Văn Trang (trú huyện Krông Pắc) đang điều trị bệnh tay chân miệng độ nặng ở Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Anh Trang kể: “Cách đây mấy ngày con tôi có biểu hiện sốt, gia đình đưa cháu đi khám tại phòng khám tư nhân thì bác sĩ chẩn đoán cháu bị bệnh tay chân miệng và tư vấn gia đình cho cháu nhập viện.
Tại bệnh viện, các bác sĩ cho biết con tôi bị bệnh tay chân miệng độ nặng. Điều đáng nói là diễn tiến bệnh nhanh, như con tôi mới chỉ nổi vài nốt bọng nước nhưng khi nhập viện đã ở tình trạng nặng, nếu vào viện muộn thì sẽ rất nguy hiểm”. Con gái của anh Đỗ Trần Diệu (trú TX. Buôn Hồ) năm nay hơn 2 tuổi cũng đang nhập viện điều trị bệnh tay chân miệng. Anh Diệu chia sẻ: “Tôi còn một bé mới 2 tháng tuổi. Do biết bệnh tay chân miệng lây lan nhanh lại rất nguy hiểm nên ngay sau khi phát hiện cháu lớn mắc bệnh, gia đình đã lập tức khử khuẩn, vệ sinh nhà ở và tách riêng hai cháu để hạn chế sự lây lan”.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên thăm khám trẻ bị bệnh tay chân miệng độ nặng. Ảnh: Quang Nhật |
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi. Trẻ em thường nhiễm vi rút gây bệnh tay chân miệng khi tiếp xúc trực tiếp dịch mũi, miệng, nước bọt, dịch từ các bọng nước và phân của người nhiễm bệnh hoặc từ những đồ vật nhiễm loại vi rút này như đồ chơi, mặt bàn, nắm cửa… Khi mắc bệnh, trẻ sẽ có các triệu chứng như loét, đau họng, phát ban, nổi bọng nước trên tay, bàn chân hoặc mông. Với các trường hợp nhẹ, bệnh có thể tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh diễn biến nặng, không được điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến não và để lại một số biến chứng cho trẻ như viêm màng não do vi rút, viêm não.
Bệnh tay chân miệng có 4 cấp độ gồm: độ 1 chỉ loét miệng hoặc tổn thương da; độ 2a trẻ có biểu hiện sốt, lừ đừ, nôn; độ 2b nhóm 1 là các trường hợp sốt cao liên tục, có các triệu chứng nghi ngờ biến chứng thần kinh như giật mình nhiều, chới với; độ 2b nhóm 2 trẻ có biến chứng thần kinh, tay chân miệng; độ 3 trẻ có biến chứng tuần hoàn và độ 4 là các trường hợp rất nặng, trẻ bị suy hô hấp, biến chứng tuần hoàn. “Bệnh tay chân miệng chuyển độ rất nhanh và thời gian chuyển nặng rơi vào khoảng 48 giờ đầu kể từ khi trẻ mắc bệnh. Do thời gian chuyển độ rất nhanh, chúng ta chỉ có vài tiếng từ lúc chuyển nặng đến lúc điều trị nên điều quan trọng là cần phát hiện trẻ mắc bệnh kịp thời. Bên cạnh đó, bệnh tay chân miệng chuyển độ rất nặng lại thường xuất hiện ở những trẻ có biểu hiện bệnh tay chân miệng khó phát hiện. Tức là, không phải trẻ xuất hiện nhiều các nốt bọng nước là trẻ bị độ nặng”, bác sĩ Minh nhấn mạnh.
Trước tình hình dịch bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tham mưu cho Sở Y tế phối hợp với Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường học thực hiện tốt công tác phòng tránh dịch trong trường học. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã phối hợp với các ban, ngành liên quan tiến hành kiểm tra công tác phòng chống dịch tay chân miệng tại các trường học, qua đó chấn chỉnh, nhắc nhở các trường lưu ý công tác phòng chống dịch. Bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lưu ý: “Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa. Do đó, để phòng tránh bệnh, người dân cần lưu ý ăn chín, uống sôi, thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng đúng cách, đồng thời vệ sinh, khử khuẩn môi trường, nhà ở, đồ chơi trẻ em… Khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng, cần theo dõi kỹ trẻ, nếu phát hiện trẻ có các biểu hiện giật mình, lừ đừ, co giật, hôn mê, mạch đập nhanh… thì cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời, tránh để xảy ra biến chứng nguy hiểm”.
Phương Nhiên
Ý kiến bạn đọc