Multimedia Đọc Báo in

Những sai lầm khi chăm sóc trẻ bị bệnh thủy đậu

15:35, 03/04/2021

Thủy đậu là bệnh rất dễ lây lan qua đường hô hấp, tiếp xúc trực tiếp do vi rút Varicella-zoster gây ra. Bệnh thường bùng phát khi thời tiết nắng nóng và xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó trẻ em dưới 10 tuổi dễ mắc bệnh nhất.

Bệnh thủy đậu có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, như: bội nhiễm da, viêm phổi, nhiễm khuẩn máu hay viêm màng não… nếu không điều trị đúng cách và kịp thời.

Thủy đậu là bệnh do vi rút gây ra, kháng sinh không diệt được vi rút, do đó không tự ý sử dụng kháng sinh để điều trị, vừa không đem lại hiệu quả, vừa tăng nguy cơ kháng thuốc, vừa chịu tác dụng phụ không đáng có.

Thông thường bệnh thủy đậu bùng phát từ tháng 2 đến tháng 6 ở một số địa phương trên cả nước, trong đó có Đắk Lắk. Nguồn gây bệnh là do người lành tiếp xúc trực tiếp hoặc do vi rút từ đờm, dãi, nước mũi, nước bọt của người bệnh bắn sang người lành khi nói, ho, hắt hơi. Thông thường, thời gian ủ bệnh của bệnh thủy đậu là khoảng 2 - 3 tuần từ lúc nhiễm vi rút đến lúc phát bệnh.

Lúc đầu, người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và ngứa; trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Sau đó, các nốt ban phát triển thành các phỏng nước, lúc đầu trong, sau đục dần, có thể thành mủ. Sau 8 - 10 giờ thì vỡ ra và đóng vảy. Bệnh thủy đậu thường kéo dài từ 7 - 10 ngày. Nếu không có biến chứng, các nốt phỏng nước sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo, nhưng nếu bị nhiễm trùng mụn nước có thể để lại sẹo.

Mặc dù là bệnh lành tính nhưng bệnh cũng có thể gây ra nhiều biến chứng nếu chăm sóc không đúng cách cũng như không đưa trẻ đi viện khi có các dấu hiệu bệnh nặng. Nhẹ thì có thể nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước, nặng có thể gây viêm phổi, nhiễm khuẩn máu hay viêm màng não… Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể sẩy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi.

Khi trẻ bị thủy đậu thường ngứa ngáy, khó chịu, nhiều trẻ bỏ ăn do các tổn thương ở miệng. Tuy nhiên, một số phụ huynh vì sốt ruột, mong bệnh mau khỏi nên đã tự mua thuốc về cho con uống hoặc chăm sóc điều trị theo những quan niệm dân gian khiến bệnh nhi phải nhập viện trong tình trạng nặng.

Như trường hợp của cháu Y Vinh Niê (2 tuổi, ở xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) bị thủy đậu nhưng không được cha mẹ đưa đến bệnh viện khám mà lại điều trị theo lời mách bảo. Nghe theo chỉ dẫn của người hàng xóm, chị H’Nhách Niê (mẹ cháu Y Vinh Niê) hái các lá cây chân vịt, lá khế, lá tía tô đem giã nát rồi nấu lên tắm cho con. Khoảng 3 ngày sau, da cháu Y Vinh Niê đỏ ửng lên như phỏng rộp, các nốt thủy đậu bị bể và tình trạng nặng hơn ban đầu. Gia đình đưa cháu đến bệnh viện thì được chẩn đoán bị bội nhiễm da trên nền thủy đậu.

Không riêng trường hợp trên, vẫn còn rất nhiều người, nhất là những người dân ở vùng sâu, vùng xa, nơi có kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp, cách xa cơ sở y tế… vẫn còn quan niệm sai lầm khi chăm sóc bệnh nhân thủy đậu như: tắm lá cây hay bôi tro của rơm, rạ lên các nốt thủy đậu. Ngoài ra, cũng có trường hợp thấy con vừa bị thủy đậu đã tự ý mua thuốc xanh methylen chấm ngay vào các mụn nổi nốt. Việc làm này khi nốt phỏng chưa vỡ là không cần thiết, trông rất nhem nhuốc. 

Theo các bác sĩ chuyên khoa, hầu hết trẻ mắc bệnh thủy đậu sẽ tự khỏi nếu được chăm sóc, điều trị đúng cách tại nhà theo hướng dẫn của thầy thuốc, phụ huynh và người chăm sóc trẻ tuyệt đối không được tùy tiện bôi hoặc tắm vào vết thương bất cứ nước lá cây nào… bởi chính những điều này có thể sẽ khiến trẻ bị nhiễm trùng nặng hoặc dị ứng da nghiêm trọng.

Trẻ mắc bệnh thủy đậu được bác sĩ thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Trẻ mắc bệnh thủy đậu được bác sĩ thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Bệnh thủy đậu lây lan rất nhanh, do đó, để chăm sóc trẻ mắc bệnh thủy đậu, các bác sĩ khuyến cáo: Cho trẻ nằm trong phòng riêng, thoáng khí, thời gian cách ly là khoảng 7 - 10 ngày từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh (phát ban) cho đến khi các nốt phỏng nước khô vảy hoàn toàn. Hạn chế tiếp xúc gần như ôm, hôn trẻ; không dùng chung dụng cụ và thức ăn chung với trẻ khác; cần vệ sinh đồ dùng, bề mặt trẻ hay chạm vào để làm sạch vi rút gây bệnh. Xử lý tốt các nốt phỏng, nốt loét, đề phòng bội nhiễm da cho trẻ và các biến chứng khác, như: vệ sinh da, giữ cho da luôn khô sạch; nên cắt gọn móng tay cho trẻ và không cho trẻ gãi tại các ban mụn nước thủy đậu; không được chọc, chích vỡ các phỏng nước chưa vỡ; nên mặc quần áo có chất vải mềm, tránh ra nhiều mồ hôi khiến tăng cảm giác khó chịu và tăng độ ngứa; vệ sinh cho trẻ bằng nước muối sinh lý; ăn uống đủ chất dinh dưỡng, giàu vitamin để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Đặc biệt, không nên kiêng trẻ tắm, thay vào đó nên tắm cho trẻ bằng nước ấm, nhưng không tắm lâu như khi trẻ khỏe mạnh. Tuyệt đối không tắm các lá cây dân gian truyền miệng, dễ gây bội nhiễm da cho trẻ; không tự ý mua thuốc điều trị cho trẻ, đặc biệt là thuốc kháng sinh và thuốc chống viêm corticoid. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu mệt mỏi, thờ ơ, co giật, hôn mê hoặc có xuất huyết trên nốt phỏng nước cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời. Biện pháp phòng ngừa bệnh thủy đậu an toàn nhất là tiêm vắc xin phòng ngừa.

Mỹ Hạnh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.