Không chủ quan với các biểu hiện của rối loạn chức năng tiền đình
Tiền đình là bộ phận thuộc hệ thần kinh nằm ở phía sau ốc tai hai bên. Tiền đình có vai trò cân bằng cơ thể, duy trì trạng thái thăng bằng ở các tư thế, trong hoạt động, phối hợp các bộ phận cử động như mắt, tay, chân, thân mình…
Rối loạn chức năng tiền đình là tình trạng quá trình truyền dẫn và tiếp nhận thông tin của tiền đình bị rối loạn hoặc tắc nghẽn do dây thần kinh số 8 hoặc động mạch nuôi dưỡng não bị tổn thương hay các tổn thương khác ở khu vực tai trong và não. Người bị rối loạn chức năng tiền đình thường gặp các vấn đề như: đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, quay cuồng, mất thăng bằng, buồn nôn... Những triệu chứng rối loạn chức năng tiền đình lặp đi lặp lại nhiều lần, xuất hiện đột ngột khiến người bệnh rất khó chịu, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, cuộc sống và khả năng lao động của người bệnh.
Theo các nhà chuyên môn, có nhiều nguyên nhân gây rối loạn chức năng tiền đình, trong đó được chia làm hai nhóm: Rối loạn chức năng tiền đình ngoại vi (chiếm khoảng 80% các trường hợp) và rối loạn chức năng tiền đình trung ương (chiếm 20% trường hợp).
Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhân bị rối loạn tiền đình. |
Rối loạn chức năng tiền đình ngoại vi liên quan đến viêm dây thần kinh tiền đình, bệnh lý thạch nhĩ, nhiễm độc tiền đình, rò ngoại dịch tai trong, các bệnh chuyển hóa, bệnh viêm tai, bệnh xốp xơ, bệnh long khớp bàn đạp - tiền đình, u dây thần kinh thính giác. Bộ phận tiền đình ở vùng tai trong như sỏi tai trôi tự do trong ống bán khuyên hoặc dính vào đài tai thì có thể gây chóng mặt khi thay đổi tư thế. Một số nguyên nhân khác như: do chấn thương, do phẫu thuật, viêm tai mạn, do dùng thuốc, lão hóa, rối loạn vận mạch, người trầm cảm, mất ngủ… gây rối loạn chức năng tiền đình ngoại vi.
Rối loạn chức năng tiền đình trung ương khá phức tạp, liên quan đến bệnh lý mạch máu não, bệnh lý u não và các bệnh thần kinh trung ương. Tổn thương ở não, tai biến mạch máu não, tổn thương hệ động mạch sống nền sau cổ với những bệnh nhân cao tuổi. Ngoài ra, có nhiều nguyên nhân khác liên quan đến những tổn thương ở vùng tiểu não đều có thể gây nên rối loạn chức năng tiền đình trung ương.
Bác sĩ CKII. Cao Hữu Vinh, Trưởng Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, khi bị rối loạn chức năng tiền đình hầu hết các bệnh nhân đều có những cơn chóng mặt đột ngột, dữ dội, ngắn hoặc dài từ vài giây đến dưới vài giờ tùy theo từng trường hợp bệnh, đặc biệt liên quan đến thay đổi vị trí của đầu thường theo một hướng. Lúc này bệnh nhân phải nằm yên, nhắm mắt. Bệnh nhân không đau đầu cũng có thể có ù tai, giảm thính lực... Đó là rối loạn tiền đình ngoại biên – những cơn chóng mặt thông thường. Bên cạnh đó, bệnh nhân có những biểu hiện như đau đầu dữ dội, nôn nhiều, yếu tay chân – liên quan đến tổn thương thực thể trong não thì chúng ta phải phân biệt giữa rối loạn tiền đình ở ngoại vi hay trung ương để xử trí kịp thời.
Người bị rối loạn tiền đình chóng mặt thông thường phải điều chỉnh chế độ sinh hoạt như: ăn, ngủ, nghỉ, luyện tập điều độ. Khi có triệu chứng chóng mặt thì phải nằm yên tĩnh trong phòng tối, không đột ngột thay đổi tư thế và cần đến cơ sở y tế điều trị càng sớm càng tốt. Đối với những người bệnh có tiền sử tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch, bệnh mạch vành… thì cần phải điều trị tốt tất cả các nguyên nhân có thể dẫn đến chóng mặt, tránh nguy hiểm đến tính mạng. Tùy theo trường hợp mà bác sĩ có những phương pháp điều trị cụ thể như điều trị nguyên nhân và điều trị ngoại khoa phù hợp.
Bác sĩ Vinh khuyến cáo: Chóng mặt lành tính phải thường xuyên tập bài phục hồi chức năng tiền đình, tránh các kích thích tâm lý và có chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp. Ngoài ra, bệnh nhân cần dùng thuốc để tăng hoạt động của bên bị bệnh để cho hai bên tiền đình cân bằng nhau. Trong giai đoạn cấp có thể sử dụng thuốc như các loại thuốc giảm triệu chứng chóng mặt Cinnarizine, Flunar-izine, Ginkgobiloba… dùng trong các đợt cấp theo chỉ định của bác sĩ. Không nên tự chịu đựng, uống thuốc chống nôn hoặc giảm đau tự mua tại các tiệm thuốc mà không đến cơ sở y tế bởi việc không khám và điều trị tận gốc sẽ khiến cho tình trạng bệnh ngày càng trầm trọng hơn.
Khi cơ thể có triệu chứng rối loạn chức năng tiền đình như: chóng mặt, buồn nôn, choáng váng… thì phải đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Cần chủ động thực hiện các phương pháp phòng tránh và biết cách xử lý tạm thời khi đã lên cơn chóng mặt để hạn chế những nguy hiểm xảy ra khi bị té, ngã đập đầu. |
Trần Lan
Ý kiến bạn đọc