Quy hoạch đô thị Buôn Ma Thuột: Nên chú trọng đến điều kiện tự nhiên và yếu tố lịch sử - văn hóa của vùng đất này
Tại Đại hội Hội Kiến trúc sư (KTS) Dak Lak nhiệm kỳ VI (2010-2015), giới KTS đã thảo luận khá sôi nổi về quy hoạch và diện mạo kiến trúc đô thị Buôn Ma Thuột hiện nay. Phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với KTS DIÊU QUANG HÙNG, Chủ tịch Hội KTS Dak Lak về vấn đề này.
Nhiều công trình kiến trúc ở Buôn Ma Thuột đã có sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố hiện đại và truyền thống. Ảnh: L.H |
* Theo đánh giá của giới chuyên môn, quy hoạch (QH) của TP. Buôn Ma Thuột hiện không còn phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển của kinh tế - xã hội. QH tổng thể đang được điều chỉnh lại, còn QH chi tiết mới đạt khoảng 37%, vậy đâu là tồn tại lớn nhất trong QH của thành phố hiện nay thưa ông?
- Định hướng phát triển một đô thị phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó giao thông đối ngoại có sự ảnh hưởng rất lớn. QH đô thị Buôn Ma Thuột trong những năm của thập niên 80 thế kỷ trước, vị trí giao tiếp của trục đô thị với hệ thống giao thông đối ngoại (ga xe lửa) trên trục đường Phan Bội Châu (gần buôn Ky); đến thập niên 90, điều chỉnh QH đường Nguyễn Đình Chiểu kéo dài đến xã Cư Êbur, nhưng trên thực tế lại không phát triển theo như định hướng. Không những thế, các công trình giao thông được đầu tư lại không tuân thủ quy hoạch được duyệt (về hướng tuyến, cốt cao độ…) đã làm cho tính khả thi của quy hoạch càng yếu (như đường tránh phía tây; quốc lộ 14 đoạn qua thành phố…). Giao thông được ví như huyết mạch của một cơ thể, nhưng hiện tượng xây dựng, dịch chuyển dân cư bám ra trục đường ngày càng trở nên phổ biến, trong khi việc lập quy hoạch và quản lý lại hầu như bỏ ngỏ làm cho không gian đô thị càng trở nên chật hẹp, phát triển xô bồ, thiếu tổ chức.
Biệt Điện - công trình kiến trúc mang dáng nét văn hóa Tây Nguyên được xây dựng trong một không gian hài hòa với khung cảnh thiên nhiên Ảnh: Giang Nam |
* Vậy, QH cần phải như thế nào và ông có đánh giá gì về kiến trúc đô thị Buôn Ma Thuột hiện nay?
- Để QH mang tầm chiến lược thì cần rất nhiều yếu tố, trong đó chọn được nhà tư vấn có năng lực, một hội đồng phản biện có chuyên môn đóng vai trò khá quan trọng. QH đô thị phải đặc biệt gắn chặt với quy hoạch sử dụng tài nguyên đất, bảo vệ môi trường, tránh tình trạng QH đô thị đi trước quy hoạch môi trường, đặt môi trường, và sử dụng tài nguyên đất trước một việc đã rồi. Bên cạnh đó, QH cần đồng bộ và có sự hợp tác giữa các quy hoạch ngành liên quan. Mặt khác, để đô thị tạo được bản sắc riêng, QH cần sự đào sâu nghiên cứu về điều kiện tự nhiên cũng như yếu tố lịch sử của vùng đất.
Sự bùng nổ xây dựng nhanh, rộng khắp, công tác chỉnh trang đô thị được chú ý, do đó một loạt công trình kiến trúc mới ở Buôn Ma Thuột đã ra đời. Thành phố xuất hiện ngày càng nhiều công trình hiện đại có sự kết hợp hài hòa yếu tố truyền thống, dần dần tạo được một phong cách kiến trúc, góp phần tạo nét riêng cho phố núi. Tuy nhiên, xuất hiện không ít công trình bị lai căng, pha tạp, sử dụng các thành phần biểu hiện kiến trúc cổ như vòm cuốn, thức cột, gờ chỉ làm phương tiện trang trí. Nhà ở xây dựng tuy nhiều nhưng tự phát, thiếu thiết kế, chính vì vậy xuất hiện những đường phố với những khu nhà lộn xộn, rối rắm, kiến trúc vụn vặt, chắp vá. Ở một số công trình xuất hiện sự xa rời về công năng, xem nhẹ các yêu cầu sử dụng mà chạy theo hình thức, biểu tượng. Trách nhiệm này là chung của xã hội, nhưng trước hết là đội ngũ KTS, đặt biệt là những cá nhân KTS giữ vai trò trọng trách trong quản lý kiến trúc, xây dựng và quản lý xã hội.
* Với vai trò là Chủ tịch Hội KTS Dak Lak, theo ông làm thế nào để tiếng nói của Hội thực sự có sức mạnh, góp phần xây dựng bản sắc kiến trúc riêng cho đô thị Buôn Ma Thuột?
- Vấn đề cần được quan tâm hàng đầu hiện nay của giới KTS Dak Lak là tìm ra cho được đâu là diện mạo riêng của TP. Buôn Ma Thuột. Để làm được điều này, chắc chắn phải đi từ đặc trưng của vùng đất, con người, và kiến trúc đã hình thành trong một quá trình lịch sử lâu dài qua một quá trình chắt lọc, đào thải. Cho đến nay, chúng ta cũng đã xác lập được đôi nét có tính khuôn mẫu cho một số công trình. Đó là bước đầu, tuy còn cứng nhắc nhưng rất quan trọng để định hướng phát triển trong tương lai.
Là tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, để làm tốt nhiệm vụ này, Hội cần phải tạo nên sự thống nhất, đoàn kết để góp phần khai thác tối đa tài năng, chất xám trong từng KTS có điều kiện phát huy tốt hơn. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động về tư vấn, phản biện xã hội, tùy từng đề tài, chương trình cụ thể, sẽ lựa chọn và tập hợp đội ngũ có trình độ và kiến thức tương ứng để thực hiện có hiệu quả, bảo đảm tính khách quan, trung thực.
Ý kiến bạn đọc