Multimedia Đọc Báo in

Cần giải quyết dứt điểm từng vụ việc để hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp

08:45, 30/03/2012

Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, sau 4 năm (2008-2011) thực hiện công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên đã đạt được một số kết quả nhất định song vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Tổng Thanh tra Chính phủ HUỲNH PHONG TRANH đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Dak Lak xung quanh vấn đề này.

* Ông đánh giá như thế nào về việc triển khai công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên thời gian qua?

Việc tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của các tỉnh miền Trung - Tây nguyên thời gian qua khá tốt, tỷ lệ giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đạt trên 90%. Đặc biệt là một số địa phương không có đoàn đông người, không có vụ việc tồn đọng kéo dài, không có đơn khiếu kiện vượt cấp. Thanh tra Chính phủ đánh giá đây là sự tiến bộ, thành công và cũng là một kinh nghiệm trong công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Về việc thực hiện Quyết định số 858 QĐ-TTg ngày 14-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới công tác tiếp dân, nhìn chung lãnh đạo các tỉnh miền Trung  - Tây Nguyên đã bố trí tiếp công dân thường xuyên, bảo đảm cơ sở vật chất, điều kiện làm việc tương đối khang trang. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, bố trí cán bộ chưa được đào tạo bài bản nên việc tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo còn mang tính hình thức, thiếu tinh thần trách nhiệm. Công tác thanh, kiểm tra trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ tiếp dân chưa thực sự có hiệu quả.

* 4 năm qua tại Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương đã tiếp trên 9.500 lượt người từ các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên đến khiếu kiện về 2.255 vụ việc nhưng gần 50% trong số đó là khiếu kiện vượt cấp. Theo ông đâu là nguyên nhân chính của tình trạng trên?

Theo nhận định chung, thời gian qua cũng như sắp tới, tình trạng đơn thư khiếu nại vượt cấp, những vụ việc tồn đọng kéo dài gây “điểm nóng” có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân thứ nhất là do phần lớn những vụ việc tồn đọng cũ chưa được các cấp, ngành, địa phương giải quyết dứt điểm nên người dân bức xúc, tiếp tục gửi đơn khiếu nại. Thứ hai, việc tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình, thực hiện nhiều dự án mới phần lớn liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh một số địa phương làm tốt công tác này cũng còn nhiều nơi, việc thực hiện quy trình, thủ tục đền bù từ khâu thẩm định giá cả đến vận dụng chính sách, tổ chức tái định cư, giải quyết thu nhập cho người bị thu hồi đất chưa thỏa đáng dẫn đến khiếu kiện vượt cấp ngày càng tăng. Có thể nói, ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên vấn đề này càng phức tạp hơn bởi việc thu hồi đất để thực hiện các dự án: thủy điện, trồng rừng, trồng cao su, khu đô thị mới, khu kinh tế quốc phòng tại địa phương làm nảy sinh tranh chấp giữa đồng bào dân tộc thiểu số với nông, lâm trường, với đơn vị quân đội và với dân di cư tự do từ phía Bắc và miền Trung đến. Nguyên nhân thứ ba là do việc thực hiện trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương chưa cao, giải quyết chưa đến nơi đến chốn, không dứt điểm, còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm hoặc né tránh gây bức xúc cho người dân. Một nguyên nhân nữa là do một bộ phận người dân chưa hiểu rõ chính sách, pháp luật, đặc biệt có một số trường hợp lợi dụng chính sách về khiếu nại, tố cáo để gây rối, kích động làm mất an ninh chính trị, trật tự xã hội khiến các vụ việc khiếu nại, tố cáo ngày càng phức tạp...

* Vậy cần có những giải pháp gì để nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, thưa ông?

Trên thực tế vẫn còn tồn tại tình trạng các cấp, ngành, địa phương giải quyết chưa dứt điểm từng vụ việc nhưng cho rằng đã hết thẩm quyền nên không giải quyết tiếp. Và như vậy người dân sẽ cảm thấy không thỏa đáng nên việc tiếp tục gửi đơn khiếu nại là lẽ đương nhiên. Vì vậy, theo quan điểm của Thanh tra Chính phủ, phải giải quyết dứt điểm từng vụ việc chứ không nên đùn đẩy, thoái thác trách nhiệm. Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác này, chú trọng gắn công tác tiếp dân với đối thoại, giải thích trực tiếp. Bởi khi người dân đến gửi đơn, họ muốn được tiếp nhận đơn, giải thích, đối thoại để hiểu rõ vụ việc này sẽ có hướng giải quyết như thế nào, đúng hay sai, đơn thư đủ hay thiếu. Nếu làm được điều này sẽ hạn chế những vụ việc tồn đọng kéo dài. Để hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, với trách nhiệm là cơ quan tham mưu, Thanh tra Chính phủ sẽ tổ chức Hội nghị ba khu vực gồm miền Bắc, miền Trung – Tây Nguyên và miền Nam làm cơ sở đánh giá đúng, kỹ tình hình, tìm ra nguyên nhân. Từ đó có những kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ ban hành các chỉ thị, đề án để giải quyết khiếu nại, tố cáo một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

*Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Xuân (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc