Multimedia Đọc Báo in

Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012: Cơ sở xây dựng kế hoạch, hoạch định chính sách phát triển kinh tế xã hội

15:34, 20/04/2012

Cứ 5 năm một lần, Chính phủ lại tổ chức Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp. Năm 2012 là lần thứ 4 cả nước tiến hành tổng điều tra, những dữ liệu thu thập là cơ sở xây dựng kế hoạch, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước. Phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với ông Tôn Thất Khôi, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo cuộc Tổng điều tra.

*Xin Cục trưởng cho biết phương thức tiến hành, nội dung, đối tượng của cuộc Tổng điều tra?

Cuộc Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp lần thứ 4-2012 được tiến hành theo Quyết định số 1271/QĐ-TTg ngày 27-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 1-4 đến 31-5-2012: thu thập thông tin của các cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) thuộc doanh nghiệp; các chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài. Giai đoạn 2 từ 1-7 đến 30-7-2012: thu thập thông tin của các cơ sở hành chính, sự nghiệp, đảng, đoàn thể, hiệp hội, tôn giáo và các cơ sở SXKD cá thể.

Nội dung cuộc Tổng điều tra gồm các nhóm thông tin sau: thông tin nhận dạng cơ sở, lao động và thu nhập của người lao động, kết quả SXKD và tình hình hoạt động của doanh nghiệp, việc ứng dụng công nghệ thông tin, tình hình tiếp cận các nguồn vốn của doanh nghiệp. Đối tượng gồm các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các cơ quan nhà nước, đảng, đoàn thể, hiệp hội, đơn vị sự nghiệp, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Riêng các cơ sở đã đăng ký kinh doanh nhưng chưa đi vào hoạt động, đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các cơ sở tạm ngừng SXKD theo thời vụ hoặc để đầu tư mở rộng quy mô SXKD, đổi mới công nghệ, sửa chữa, chuyển đổi mô hình pháp lý hoặc tổ chức, chờ sáp nhập, giải thể…nhưng bộ phận quản lý đang hoạt động, có thể trả lời thông tin trên phiếu vẫn là các đơn vị điều tra. Các đối tượng, đơn vị điều tra thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an do hai Bộ tổ chức điều tra theo cấp hành chính với phương án riêng phù hợp với đặc thù của mỗi Bộ nhưng thống nhất với phương án tổng điều tra của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương. Kết quả điều tra được tổng hợp chung vào kết quả của toàn quốc.

Cuộc Tổng điều tra không bao gồm các đối tượng sau: hộ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (đã điều tra trong Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011); các cơ sở thuộc đoàn ngoại giao, Đại sứ quán, Lãnh sự quán nước ngoài, các tổ chức quốc tế đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

*Tổng điều tra năm 2012 kết hợp cả cuộc tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp với hai cuộc điều tra thường xuyên về doanh nghiệp và cơ sở SXKD cá thể. Vậy làm thế nào để tổng điều tra đạt độ chính xác cao nhất?

Đây là cuộc tổng điều tra quan trọng, phạm vi rộng và phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, đơn vị. Để đạt kết quả với độ tin cậy cao nhất theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra của tỉnh có nhiệm vụ tổ chức, chỉ đạo thực hiện cuộc tổng điều tra theo đúng kế hoạch, nội dung và phương án do Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương quy định; đồng thời tham mưu về chủ trương, giải pháp để hỗ trợ các cấp, các ngành trong tổng điều tra; chú trọng công tác tuyên truyền ở mọi cấp, mọi ngành và các địa bàn.

Trong quá trình triển khai, căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp huy động các nguồn lực hỗ trợ để khuyến khích, động viên đối tượng cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác cho điều tra viên. 

*Kết quả Tổng điều tra sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc hoạch định chính sách thưa Cục trưởng?

Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012 nhằm đáp ứng các mục đích sau:

Thứ nhất, đánh giá sự phát triển về số lượng cơ sở, lao động của các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp; kết quả sản xuất kinh doanh; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; cơ cấu và sự phân bố của các cơ sở, của lao động theo địa phương, ngành kinh tế, hình thức sở hữu… đáp ứng yêu cầu quản lý của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

Thứ hai, tổng hợp các chỉ tiêu thống kê chính thức năm 2011 của các chuyên ngành có liên quan đến doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể (số lượng, số lao động, vốn, tài sản, kết quả sản xuất kinh doanh, tình hình thực hiện đầu tư…).

Thứ ba, bổ sung số liệu cho các cuộc điều tra thống kê chọn mẫu hàng năm, tính toán chỉ tiêu GDP và các chỉ tiêu khác thuộc hệ thống tài khoản quốc gia của cả nước, từng địa phương.

Thứ tư, cập nhật cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, dàn mẫu tổng thể về cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp cho các cuộc điều tra chọn mẫu trong thời kỳ 2013 - 2017 của ngành thống kê, các bộ, ngành và địa phương.

*Cục trưởng có thể cho biết tiến độ cuộc Tổng điều tra trên địa bàn tỉnh ? Dự kiến đến thời điểm nào sẽ có đầy đủ số liệu?

Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp tỉnh, huyện và xã, phường, thị trấn; tổ chức hội nghị triển khai phương án tổng điều tra cho Ban Chỉ đạo và tổ thường trực cấp tỉnh, huyện; tập huấn nghiệp vụ cho điều tra viên, tổ trưởng, giám sát viên thực hiện điều tra doanh nghiệp; rà soát danh sách doanh nghiệp đang hoạt động, tạm ngưng hoạt động trên địa bàn làm căn cứ để điều tra viên tiến hành điều tra. Hiện đang triển khai điều tra nhanh 144 doanh nghiệp chọn điều tra mẫu, kết hợp điều tra về thực trạng, khó khăn hiện nay của doanh nghiệp theo yêu cầu bổ sung nội dung tổng điều tra của Chính phủ. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc tiến độ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở trong quá trình thực hiện. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra tỉnh đã hoàn thành và gửi tài liệu tuyên truyền về cơ sở gồm: đĩa CD phát thanh, sổ tay, tờ rơi tuyên truyền về cuộc tổng điều tra. 

Thông tin về kết quả tổng điều tra do Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê công bố theo qui định của pháp luật. Cục trưởng Cục Thống kê cấp tỉnh chỉ công bố kết quả tổng điều tra ở địa phương mình theo đúng kết quả do Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê đã công bố. Số liệu sơ bộ công bố vào tháng 12-2012. Kết quả chính thức công bố vào quý III năm 2013.

*Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Xuân (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.