Multimedia Đọc Báo in

Để Buôn Ma Thuột xứng tầm đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên

09:17, 09/03/2013

Xây dựng Buôn Ma Thuột văn minh, hiện đại trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên là khát vọng, mong mỏi của các nhà quản lý, nhà khoa học, giới chuyên môn và người dân sinh sống trên vùng đất đỏ bazan màu mỡ, giàu truyền thống văn hóa này…

*Ông Dương Văn TuệPhó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh: Đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho thành phố một cách mạnh mẽ và đồng bộ hơn

Gắn bó với Buôn Ma Thuột trên 50 năm hơn ai hết tôi cảm nhận sự thay đổi của thành phố này từng ngày. Từ một thị xã nhỏ bé sau ngày giải phóng, trong quá trình xây dựng và phát triển, Buôn Ma Thuột đã được Bộ Xây dựng công nhận đô thị loại III năm 1994, là thành phố vào năm 1995 và 10 năm sau đó, năm 2005 TP. Buôn Ma Thuột đã được công nhận đô thị loại II. Năm 2010, Buôn Ma Thuột được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Sự lớn mạnh của Buôn Ma Thuột đã làm nức lòng hàng chục vạn con tim, là “mảnh đất lành” hội tụ nhiều người sinh cơ lập nghiệp. Từng góc phố, từng tên đường của Buôn Ma Thuột đã trở nên thân thiết để mỗi khi đi xa lại thấy nhớ, thấy thương và ngầm có sự so sánh không nơi đâu có được sự trong lành như ở đây. Tuy nhiên  với tốc độ đô thị hóa khá cao, Buôn Ma Thuột đang đối mặt với một thực trạng là hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa phát triển vững chắc, hiện vẫn còn nhiều tuyến đường hư hỏng, xuống cấp gây bức xúc trong nhân dân, hay tình trạng kẹt xe cục bộ tại một số tuyến đường nội thị vào giờ cao điểm. Vì vậy, tôi mong muốn chính quyền thành phố quan tâm đầu tư xây dựng mạnh mẽ và đồng bộ hơn, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, đây cũng là điều kiện thu hút các nhà đầu tư đến với Buôn Ma Thuột, tạo điều kiện cho kinh tế-xã hội phát triển.

*Kiến trúc sư Diêu Quang HùngChủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Dak Lak: Quy hoạch Buôn Ma Thuột phải bảo đảm tiêu chí xanh

Một trong những tiêu chí của thế giới hiện nay khi quy hoạch đô thị là phải “xanh”, do đó quy hoạch đô thị Buôn Ma Thuột cũng phải bảo đảm tiêu chí này. "Xanh" từ việc thân thiện, gắn với bảo vệ môi trường, phát huy các giá trị văn hóa bản địa đến hệ thống hạ tầng thiết kế bảo đảm nguyên tắc không tàn phá tự nhiên. Muốn vậy phải ưu tiên cho mật độ cây xanh, diện tích mặt nước… trong đô thị. Đây là tài nguyên vô giá mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng đất này mà không phải nơi nào cũng có. Chính điều này sẽ tạo sự khác biệt cho đô thị Buôn Ma Thuột với các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang… Tất yếu thành phố trẻ Buôn Ma Thuột phải quy hoạch và phát triển đô thị theo hướng trên để phù hợp với chính mình chứ không phải phát triển cho giống người ta.

*Ông Nguyễn Hữu Trí, nguyên Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ:  Phát triển nông nghiệp phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái

Chúng ta đang xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, là đầu mối giao thông liên vùng, tạo điều kiện phát triển, giao lưu kinh tế, nhưng các mặt hàng nông sản chủ lực là cà phê, hồ tiêu lại chưa đem lại hiệu quả  kinh tế cao cho người nông dân. Vì vậy thành phố cần quan tâm phát triển nông nghiệp phải theo hướng bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực bằng cách đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa gắn với các vùng, tiểu vùng chuyên canh hợp lý, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội của từng vùng, phục vụ nhu cầu chế biến nông, lâm sản và xuất khẩu nông sản; xây dựng và phát triển ngành sản xuất và chế biến cà phê Buôn Ma Thuột trở thành thương hiệu mạnh trong nước và quốc tế. Mặt khác cần hình thành vùng chuyên canh sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, sản xuất hoa, rau xanh…nhằm tăng dần giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Đặc biệt, phát triển nông nghiệp phải gắn với ngành nghề nông thôn, nhất là ngành nghề truyền thống của  đồng bào dân tộc, với phát triển ngành du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái. Phát triển nông nghiệp bền vững phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, tăng diện tích cây xanh của thành phố.

* Ông Hà Ngọc ĐàoChủ tịch Hội Khuyến học tỉnh: Mỗi người dân là một tấm gương thực hiện nếp sống văn minh đô thị

Nhiều người khi đến với Buôn Ma Thuột đều có chung cảm nhận, Buôn Ma Thuột ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật về cấp điện, cấp thoát nước, đường sá, cầu cống được nâng cấp, xây mới; bộ mặt đô thị liên tục được chỉnh trang. Không chỉ có các công trình công cộng như quảng trường, vườn hoa đã được tôn tạo đẹp đẽ, khang trang hơn, mà hầu hết các tuyến vỉa hè nội thị cũng được thay gạch mới, nhiều trục đường chính được thảm lại nhựa. Thành phố cao nguyên về đêm càng lung linh, rực rỡ đèn hoa nhờ hệ thống đèn chiếu sáng, đèn trang trí được lắp đặt hợp lý trên nhiều tuyến đường, quảng trường, hoa viên. Hệ thống cây xanh trên nhiều tuyến phố, hoa viên, công viên, đặc biệt khu Bảo tàng được ví như rừng nguyên sinh giữa lòng thành phố, khiến Buôn Ma Thuột thân thiện hơn, gần gũi hơn với thiên nhiên. Song đô thị trẻ này sẽ văn minh, đẹp hơn nếu như một số ít người dân không vô tư xả rác, đổ nước thải ra đường gây ô nhiễm môi trường, nguy hiểm cho người tham gia giao thông; hay chiếm dụng lòng lề đường buôn bán, để vật liệu xây dựng…Do đó, mỗi người cần nâng cao ý thức gìn giữ môi trường trong lành, trong đó thanh niên, học sinh là lực lượng nòng cốt.

Việc tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường phải được thực hiện thường xuyên, liên tục trong các nhà trường, từng bậc học. Đồng thời gắn trách nhiệm của từng trường trong việc trồng, chăm sóc hoa cây cảnh, vệ sinh môi trường. Mặt khác sự văn minh, hiện đại của một đô thị còn được thể hiện qua ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của mỗi công dân. Ấn tượng về một thành phố văn minh, hiện đại không phải kiến trúc mà chính là hình ảnh từng tốp học sinh giờ tan trường đi đúng phần đường, làn đường quy định.

* Chị Đinh Mai Anh, người dân Phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột: Cần giải quyết tình trạng người ăn xin trên địa bàn

Thời gian gần đây, ở Buôn Ma Thuột, tình trạng người ăn xin xuất hiện trên đường phố, quán ăn, quán cà phê và ở các chợ khá nhiều. Đối tượng đi ăn xin chủ yếu là người già cô đơn, người tàn tật. Ban ngày họ đi ăn xin, ban đêm ngủ dưới mái hiên các cơ quan, trường học… Thành phố đang xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, việc người ăn xin xuất hiện ngày càng nhiều trên phố đã ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, nhất là với người nước ngoài đến đây tham quan, du lịch. Để giải quyết tình trạng này, chính quyền thành phố và các ngành chức năng cần có phương án giải quyết, tạo điều kiện cho những người ăn xin có cuộc sống ổn định, đưa những người già, người có hoàn cảnh đặc biệt về Trung tâm Bảo trợ xã hội để nuôi dưỡng; giúp đỡ; gửi các đối tượng ở các tỉnh khác về với gia đình, địa phương nơi cư trú.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.