Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực làm "sạch" thị trường, góp phần bảo vệ người tiêu dùng mua sắm Tết

14:17, 03/01/2014

Cuối năm, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, nhưng nhiều người lo lắng sẽ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Do vậy, thời điểm này, các lực lượng chức năng đang nỗ lực làm “sạch” thị trường để bảo đảm một cái tết an toàn, góp phần bảo vệ người tiêu dùng mua sắm Tết. Phóng viên báo Dak Lak đã có cuộc phỏng vấn ông GIAO THANH TÙNG, Chi cục Phó Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Dak Lak..

Xin ông cho biết về tình hình buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tại địa phương trong những ngày giáp Tết Giáp Ngọ 2014?

Trong năm 2013 tình hình buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Đặc biệt, thời điểm gần Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, lợi dụng nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, các đối tượng kinh doanh bất chính đã tuồn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ra thị trường. Chủ yếu tập trung ở các mặt hàng có sức tiêu thụ cao dịp tết như: hàng điện tử, điện lạnh, bia, rượu, nước giải khát, các loại bánh kẹo, thực phẩm và một số mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp… Các đối tượng trên dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để qua mặt cơ quan kiểm tra như: vận chuyển hàng hóa vào ban đêm, xé lẻ hàng hóa, vận chuyển chủ yếu bằng xe gắn máy, thậm chí trộn hàng giả với hàng thật… Vì thế, việc kiểm tra, phát hiện hành vi vi phạm gặp rất nhiều khó khăn.

 - Đâu là nguyên nhân chính của việc hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường, thưa ông?

Việc sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng mang lại lợi nhuận rất lớn cho các đối tượng vi phạm, đặc biệt là các vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ đang ngày càng có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, khi sức mua tăng cao, lượng hàng hóa lưu thông nhiều thì vấn nạn hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng tràn vào thị trường là điều khó tránh khỏi mặc dù các cơ quan chức năng đã rất nỗ lực. Như đã nói ở trên, ngoài sự tinh vi của các đối tượng vi phạm trong quá trình vận chuyển và kinh doanh hàng giả để hòng qua mặt lực lượng quản lý thì khó khăn lớn nhất trong quá trình kiểm tra, kiểm soát là sự phối hợp giữa các doanh nghiệp kinh doanh với các cơ quan chức năng. Trên thực tế, các doanh nghiệp sản xuất chân chính vẫn chưa thực sự chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc cung cấp các mẫu hàng giả để so sánh đối chiếu, chưa chủ động trong công tác phòng, chống hàng giả. Ngoài ra, việc thiếu thốn các phương tiện kiểm tra tại chỗ để phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng cũng là nguyên nhân dẫn đến công tác kiểm tra chưa hiệu quả. Bên cạnh những lý do trên, một trong những nguyên nhân hết sức quan trọng dẫn đến sự tràn lan của hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường là ý thức của người tiêu dùng. Đây là vấn đề hết sức khó khăn do khách quan thị trường mang lại. Rất nhiều người vẫn chọn mua các loại hàng có giá cả rẻ, mẫu mã đẹp. Nhiều khi, chính sự dễ dãi trong mua sắm và sử dụng hàng hóa, sự ưa thích hàng hóa có mẫu mã đẹp, giá rẻ mà không để ý đến chất lượng cũng như nguồn gốc hàng hóa của người tiêu dùng đã vô tình “tiếp tay” cho các đối tượng sản xuất, tiêu thụ hàng giả, kém chất lượng. Chỉ khi nào người tiêu dùng kiên quyết nói không với các loại hàng hóa giả mạo, không có nguồn gốc xuất xứ thì hàng giả sẽ không còn “đất sống”, sẽ tự động bị triệt tiêu khỏi thị trường.

-Trước sự phức tạp của thị trường hàng hóa cuối năm, lực lượng Quản lý thị trường đã có những biện pháp nào để đối phó với vấn nạn này, góp phần bảo vệ người tiêu dùng?

Công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng là nhiệm vụ thường xuyên và liên tục của các cơ quan chức năng. Trong năm qua, Chi cục QLTT đã triển khai nhiều biện pháp hết sức quyết liệt trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường như ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Đội QLTT kiểm tra về hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng trong các lĩnh vực: kinh doanh mũ bảo hiểm, phân bón, an toàn vệ sinh thực phẩm… Đặc biệt, thời điểm cuối năm, công tác kiểm tra, kiểm soát lại càng được đơn vị chú trọng. Chi cục đã triển khai kế hoạch kiểm tra thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán nhằm tập trung kiểm tra các mặt hàng tiêu dùng phục vụ tết như xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, rượu bia, thuốc lá, thực phẩm gia súc, gia cầm, hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, lịch tết v.v... Đối với các mặt hàng đóng gói sẵn thì xác định định lượng hàng hóa thực tế so với định lượng trên bao bì nhằm phát hiện gian lận thương mại; tiến hành kiểm tra thủ tục hành chính, giấy phép kinh doanh đối với hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh như thuốc lá điếu, rượu; giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với các mặt hàng xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, các tụ điểm giết mổ gia súc; kiểm tra điều kiện kinh doanh đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến… Bên cạnh đó, tăng cường áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm những cơ sở, doanh nghiệp cố tình vi phạm. Trong đó, đặc biệt chú ý vào các điểm tập kết số lượng hàng lớn để kịp ngăn chặn tình trạng phân tán đi các điểm kinh doanh. Chẳng hạn, từ vài ba hộp bánh không có hóa đơn, chứng từ của một đại lý bán lẻ, các đội tìm đến tận cơ sở đầu mối để xử lý triệt để, tận gốc hàng giả, hàng kém chất lượng.

Xin cảm ơn ông.

Trâm Anh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.