Multimedia Đọc Báo in

Cần phát huy tốt "cú hích" chính sách

06:14, 25/05/2019

Thời gian qua, hàng loạt diễn đàn liên quan đến cộng đồng doanh nghiệp (DN) đã được Chính phủ tổ chức. Các diễn đàn này không chỉ là dịp để Chính phủ lắng nghe, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc giúp cộng đồng DN phát triển mà còn cho thấy sự thay đổi trong cách nhìn nhận vai trò của cộng đồng này trong thời kỳ mới.

Có thể nói, chưa khi nào lại diễn ra liên tục những diễn đàn, hội nghị tầm cỡ quốc gia liên quan đến hoạt động của DN như thời gian gần đây. Mới đây nhất là Diễn đàn quốc gia phát triển DN công nghệ Việt Nam và trước đó là Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì rất được dư luận quan tâm.

Bên cạnh đánh giá cao những đóng góp của cộng đồng DN trên các lĩnh vực, một vấn đề xuyên suốt có thể thấy được qua những phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đó là Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm và tạo mọi thuận lợi cho cộng đồng DN hoạt động, phát triển. Cụ thể là Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt hơn nữa công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đăng ký kinh doanh, khởi nghiệp DN, thuế, hải quan; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch; thông thoáng cho người dân và DN đầu tư, làm ăn.

Chế biến cà phê ướt tại Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi. Ảnh: Nguyễn Xuân
Chế biến cà phê ướt tại Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi. Ảnh: Nguyễn Xuân

Điều đó cho thấy quyết tâm ở tầm vĩ mô, còn ở tầm địa phương, theo báo cáo cập nhật mới nhất tình hình DN trên địa bàn Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay, công tác phát triển DN trên địa bàn tỉnh đã có nhiều khởi sắc, DN tăng mạnh về số lượng và hoạt động hiệu quả hơn. Cụ thể, toàn tỉnh hiện có 8.547 DN đang hoạt động trong các lĩnh vực, trong đó có 402 DN đăng ký thành lập mới (tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2018), 166 DN tạm ngừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động (tăng 50,9%), 42 DN giải thể (giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước). Để có được kết quả đáng mừng đó là nhờ các sở, ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ DN vừa và nhỏ.

Điều đó cho thấy tình trạng “trên nóng dưới lạnh” mà lâu nay người ta thường nói đã được khắc phục đáng kể. Dẫu cho đâu đó vẫn còn sự “kêu ca” của DN, nhưng xét một cách tổng thể thì cũng có thể nói “trên nóng, dưới cũng đã bắt đầu nóng”. Các cấp, các ngành đã có những nỗ lực nhất định trong việc hỗ trợ cho sự phát triển của cộng đồng DN. Đó là những “cú hích” chính sách cần thiết, kịp thời. Vấn đề còn lại là việc cộng đồng DN phát huy như thế nào để có những bước đột phá trong sản xuất kinh doanh, góp phần trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội của địa phương nói riêng, đất nước nói chung trong tình hình mới. Điều đó phụ thuộc vào năng lực, chiến lược và khả năng tận dụng thời cơ của mỗi DN.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.