Mưa lũ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCLB-TKCN) do ảnh hưởng của cơn bão số 8 kết hợp với hoạt động của gió mùa Tây nam cường độ mạnh, trên địa bàn Dak Lak từ ngày 11 đến 18-9 đã có mưa trên diện rộng.
Tính đến chiều 19-9, có 4 huyện bị ảnh hưởng mưa lũ gây thiệt hại gồm: Ea H’leo, Ea Súp, Krông Buk và Krông Năng, trong đó thiệt hại nặng nhất là 2 huyện Ea H’leo và Ea Súp.
Thiệt hại nghiêm trọng
Chúng tôi có mặt tại địa bàn thôn 8 và thôn 9 (xã Ea Rốk, huyện Ea Súp) chiều 18-9 nước vẫn còn ngập mặt đường, có nơi nước dâng cao gần 1m. Để nắm bắt được tình hình lũ lụt, lực lượng Công an huyện đã dùng ca nô đưa chúng tôi di chuyển vào sâu bên trong các thôn bị ngập. Theo phản ánh của người dân sống ở khu vực này, trong các ngày 17 và 18-9 do mưa to, kéo dài, nước dâng rất nhanh khiến mặt đường bị ngập, tất cả các phương tiện không thể lưu thông qua lại. Bà Lê Thị Nụ (thôn 8, xã Ea Rốk) than thở: “Mặc dù đã được nghe xã thông báo về tình hình mưa lũ trên loa đài, trưởng thôn cũng gọi điện đến từng nhà cảnh báo, nhưng do nước lũ tràn về nhanh quá nên tôi không kịp trở tay. Nhà tôi có mỗi hai vợ chồng già, vật lộn mãi mới lôi được 2 con heo lên chỗ cao cột lại. Hơn 1 ha lúa sắp gặt, 1 ha đậu xanh và 1 ha điều mới trồng chìm ngập trong nước, 40 con gà, vịt đều bị nước lũ cuốn trôi. Nước lên ngập nhà nên cả đêm 2 vợ chồng không dám ngủ vì sợ lỡ nước dâng cao hơn nữa sẽ rất nguy hiểm. Nếu vài ngày tới trời vẫn mưa thì chúng tôi đành phải di chuyển đến nơi khác”. Không riêng gì nhà bà Nụ mà hàng nghìn hộ dân trên địa bàn xã Ea Rốk cũng chịu chung cảnh ngộ. Đến chiều 19-9, cả xã chìm trong biển nước; các công sở, trường học cũng bị ngập lụt, giao thông ách tắc, học sinh phải nghỉ học; hàng ngàn ha hoa màu, gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi. Em Lê Niên Hoàng, học sinh lớp 12A3, trường THPT Ea Rốk đang rất lo lắng vì tình hình ngập lụt trên diện rộng, chưa biết đến lúc nào nước mới rút để đi học cho kịp chương trình. Do nhà cũng bị ngập nước nên Hoàng phải túc trực ở nhà phụ gia đình chuyển đồ đạc lên cao và sẵn sàng di chuyển đến nơi an toàn trong trường hợp cần thiết.
Buôn Ea M’Tha (xã Ea Rôk- Ea Súp) bị cô lập do nước lũ. Ảnh: N.X |
Mưa lớn, nước đổ về nhanh đã gây chia cắt nhiều khu vực trên địa bàn huyện, nhiều người dân bị cô lập trong rẫy. Tính đến chiều 18-9, các lực lượng chức năng của huyện, xã đã ứng cứu và đưa 174 người về nơi an toàn, trong đó xã Cư Kbang 28 người, Ea Rốk 9 người và xã Ia Jlơi 137 người. Theo thông tin của Thượng tá Phạm Văn Sơn, Trưởng Công an huyện Ea Súp, thành viên Ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện, đến tối 18-9 đoàn cứu hộ của Công an tỉnh đã phát hiện xác một người chết trên cây gần khu vực suối Ea Khanh. Nhưng do dòng nước chảy xiết, đẩy ngược cả ca nô, đoàn không thể tiếp cận để đưa thi thể người bị nạn xuống nên vẫn chưa thể xác định được danh tính người bị nạn. Trong số 12 người ở xã Cư Kbang đi làm rẫy ở xã Ia J’lơi bị nước lũ cô lập, hiện còn một người sống sót là anh Đoàn Văn Thanh (thôn 14, xã Cư Kbang), 11 người khác đã mất tích (tính đến chiều 19-9). Không chỉ xã Ea Rốk, đến chiều 18-9, nước lũ đã gây ngập ở các thôn 1, 2, 8, 10, 11 và 12 (xã Ia Tmốt), trong đó các hộ dân ở thôn 10 và 11 đã được di dời lên vùng cao an toàn. Các cầu ở khu vực UBND xã đi buôn Thái và bờ đập tràn thôn 8 cũng bị ngập sâu không đi lại được. Mưa lũ đã làm 252 ha lúa, 60 ha hoa màu các loại và 4,5 ha ao cá của xã ngập trong nước. Các thôn 5A, 5B, 6, 7 của xã Cư Kbang cũng đã bị nước lũ gây ngập. Xã Ia Jlơi bị ngập các thôn 1, 2, 3, 4, 5 và buôn Ba Na; xã đã tiến hành di dời 120 người và ứng cứu 17 người về nơi an toàn. Nhiều hộ dân ở thôn Chiềng, thôn Lầu Nàng (xã Ya Lốp) bị ngập sâu trong nước.
Theo báo cáo nhanh Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh, không chỉ riêng huyện Ea Súp mà tại huyện Ea H’leo, mưa lớn gây lũ trên các sông, suối, gây ngập lụt cho có 7/12 xã gồm: thị trấn Ea Drăng, các xã Ea Khal, Ea Hiao, Ea Wy, Cư A Mung, Cư Mốt, Ea Tir; có 14 ngôi nhà bị cuốn trôi, bị sập và hàng trăm ngôi nhà bị ngập; nhiều diện tích cây trồng, hoa màu của người dân bị ngập úng và mất trắng, một số công trình giao thông cầu, cống bị cuốn trôi và hư hỏng nặng như: xói lở hai mố cầu ở thôn 7b (xã Ea Hiao); sập 2 mố cầu bê tông trên suối Ea Drăng ở thôn 1 (xã Cư Môk); 2 cầu sắt Ea Wy đi qua Cư A Mung và cầu Bình Sơn đi qua thôn 1A bị trôi, các tuyến đường đi vào công trình thủy điện Ea Drăng 2 ách tắc; nhiều tuyến đường giao thông liên xã, liên huyện bị ngập lụt, giao thông gián đoạn... Tại huyện Krông Năng, mưa lớn gây ngập lụt cục bộ tại một số tuyến đường giao thông nông thôn và hoa màu ven sông suối. Nước sông Krông Năng dâng cao cuốn trôi 3 cầu treo tạm (cầu do dân tự bắc để đi lại sản xuất); các công trình thủy lợi phổ biến mực nước qua tràn. Đối với các công trình bị hư hỏng có nguy cơ mất an toàn, UBND huyện đã chỉ đạo điều tiết mực nước ở mức thấp bảo đảm an toàn. Tại huyện Krông Buk, các công trình có nguy cơ mất an toàn gồm đập Ea Gin, xã Cư Né, mực nước dâng lên nhanh, tràn xả lũ thoát nước không kịp, hiện tại mực nước đã dâng lên khá cao; đập Buôn Thia, xã Cư Né, hiện tại nước đã tràn qua thân đập...
Nỗ lực tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn
Trước diễn biến thời tiết phức tạp, Ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện Ea Súp đã chỉ đạo các xã, thị trấn và các ngành liên quan tổ chức triển khai nhiều phương án đối phó; huy động lực lượng tiếp tục xuống địa bàn cứu hộ và đưa dân ra khỏi vùng ngập lụt. Thượng tá Phạm Văn Sơn, cho biết: để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, Ban chỉ huy Phòng PCLB-TKCN đã yêu cầu các ngành chức năng, chính quyền địa phương trực 24/24 giờ nhằm theo dõi sát sao diễn biến thời tiết và các vùng có nguy cơ ngập lụt, kịp thời có biện pháp xử lý, ứng cứu khi cần thiết. Huyện đã trang bị đầy đủ ca nô, áo phao và tăng cường cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội xuống các xã giúp người dân chống chọi với lũ lụt. Không chỉ ứng trực 100% quân số, Công an huyện còn phân công 5 tổ đi tuần tra bảo vệ tài sản của nhân dân nơi ngập úng; phối hợp với Công an xã, các ngành chức năng tăng cường công tác nắm tình hình, làm tốt công tác giúp dân vùng ngập lũ. Tổ công tác Công an huyện đã đưa được 28 người bị cô lập tại khu vực suối Khanh (xã Cư Kbang) giáp với huyện Ea H’leo) vào bờ an toàn. Trung úy Phạm Văn Hiệu, đội tổng hợp Công an huyện cho biết: "Sau khi nhận được chỉ đạo của cấp trên, 12 chiến sĩ Công an huyện đã dùng ca nô, áo phao, phao cứu hộ tiếp cận khu vực suối Ea Khanh để ứng cứu người dân bị cô lập. Mặc dù đêm tối, nước chảy xiết, cuốn theo nhiều cây cối khiến đội khó xác định được phương hướng, nhưng vì an toàn tính mạng của người dân, chúng tôi đã nỗ lực hết sức và sau 17 tiếng vật lộn với nước lũ đã đưa được họ về nơi an toàn".
Lực lượng cứu hộ huyện Ea Súp đã dùng ca nô đưa người dân ra khỏi vùng nguy hiểm. |
UBND tỉnh cũng đã có công văn chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn tại các huyện; Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh đã tổ chức 2 đoàn công tác đi kiểm tra thực tế, phối hợp với UBND huyện Ea H’leo, Krông Buk chỉ đạo công tác ứng phó lũ lụt tại địa bàn; Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp với UBND huyện Ea Súp tổ chức sơ tán dân, tiến hành ứng cứu và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn huyện. Ở các địa phương khác dù ít bị thiệt hại, nhưng đã chủ động triển khai phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn với phương châm 4 tại chỗ và kịp thời triển khai các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh và Ban Chỉ huy PCLB - TKCN tỉnh, như: kiểm tra, rà soát các công trình thuỷ lợi, công trình PCLB; huy động vật tư, phương tiện, lực lượng dự phòng để sẵn sàng ứng cứu công trình, di dời sơ tán dân trong vùng nguy hiểm; tổ chức tuần tra, canh gác các đập xung yếu; tổ chức cứu người, cứu hộ các công trình; kiểm soát, phân luồng giao thông tại những đoạn đường bị ngập sâu, nước chảy xiết và quản lý các bến đò ngang trên địa bàn; cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu cho vùng bị ngập sâu, chia cắt...
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCLB - TKCN tỉnh, trong 24 giờ qua, mực nước trên các sông thuộc địa bàn tỉnh dao động theo xu thế tăng, lúc 7 giờ sáng 19-9, nước trên các sông Krông Ana tại Giang Sơn 418.44m, dưới báo động I; sông Sêrêpôk tại Buôn Đôn 171,90, trên báo động I: 0,90m; sông Krông Buk tại Krông Buk 452.27m, dưới báo động I. Các hồ chứa thủy lợi, thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh hiện nay phổ biến mực nước đã qua tràn. Các hồ thủy lợi vừa và lớn do Công ty TNHH-MTV Quản lý công trình thủy lợi quản lý như hồ Ia J’lơi nước qua tràn, mái hạ lưu đập xuất hiện vùng thấm 15m x 5m ở chân đập; hồ Buôn Tría, hồ Vụ Bổn đạt mực nước dâng bình thường, các hồ còn lại chưa đạt mực nước dâng bình thường gồm: Hồ Buôn Jong, trên MNDBT 0,39m đang xả 16m3/s; hồ Krông Buk hạ thấp hơn 2,96m đang xả 56m3/s; hồ Ea Súp thượng hiện tại mực nước đạt 217.02m thấp hơn MNDBT 0,58m, đang xả 200m3/s… Ban Chỉ huy PCLB - TKCN tỉnh yêu cầu các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, kịp thời triển khai công tác PCLB, chủ động ứng phó bảo đảm an toàn về người và tài sản, đặc biệt tăng cường công tác bảo vệ an toàn các hồ chứa nước.
Nguyễn Xuân - Thuận Nguyễn
Tính đến chiều 19-9, lực lượng cứu hộ cứu nạn đã tìm thấy được xác 2 nạn nhân và cứu sống được 3 người trong số 12 người bị lũ cuốn mất tích hôm 17-9 trên địa bàn xã Ia J’lơi, huyện Ea Súp (thuộc lâm phần Công ty Lâm nghiệp Rừng Xanh). Hai nạn nhân xấu số là ông Đào Văn Lý và bà Hầu Thị Mị. Vào chiều tối 18-9, một trong số những người mất tích đã tìm được về nhà. Hiện lực lượng cứu hộ vẫn đang tích cực tìm kiếm 6 người mất tích còn lại.
Trong khi đó, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống bão lụt và giảm nhẹ thiên tai tỉnh, tính đến chiều 19-9, lũ lụt đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản cũng như các công trình cơ sở hạ tầng. Tại huyện Ea Súp có 2.131 nhà bị ngập, 2.150 hộ dân phải di dời; tại huyện Ea H’leo có 17 nhà bị sập, trôi và trên 90 nhà bị ngập phải di dời. Lũ lụt cũng đã làm thiệt hại 1592 ha lúa, 259 ha ngô, 31 ha đậu và một số diện tích cây trồng khác. Riêng huyện Ea H’leo có khá lớn diện tích cây trồng ven suối bị nước lũ cuốn trôi chưa có số liệu thống kê cụ thể.
Ngoài ra, lũ lụt cũng làm 7 công trình hồ thủy lợi bị hư hỏng nghiêm trọng gồm: hồ 86 (Krông Năng), hồ Ea Drăng và hồ Cư Mốt (Ea H’leo), hồ Ea Gin, hồ Buôn Thia và hồ Thủy Điện (Krông Buk), hồ Ia J’lơi (Ea Súp). Đối với công trình giao thông, có 14 cầu, cống bị cuốn trôi và hư hỏng (Ea Súp 11, Ea Hleo 3); 2 cầu bán kiên cố bị trôi tại huyện Ea H’leo và nhiều đoạn đường giao thông bị hư hỏng nặng…
V.C
Ý kiến bạn đọc