Multimedia Đọc Báo in

Hạn chế thấp nhất nguy cơ dịch tả heo Châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn Đắk Lắk

09:11, 13/03/2019

Dịch tả heo Châu Phi trong nước đang có những diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan diện rộng. Đặc biệt khả năng xâm nhiễm bệnh dịch này vào địa bàn tỉnh Đắk Lắk rất cao, nhất là khi đang có một lượng khách lớn đến tham dự Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7.

Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông VŨ VĂN ĐÔNG, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT về vấn đề này.

°Xin ông đánh giá về nguy cơ xâm nhiễm của dịch tả heo Châu Phi vào địa bàn Đắk Lắk?

Hiện nay dịch tả heo Châu phi đang có những diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước. Tại Đắk Lắk, đến thời điểm này thì chưa ghi nhận ca bệnh nào về dịch tả heo Châu Phi. Tuy nhiên, là tỉnh có tổng đàn heo khá lớn, với gần 770.000 con, chăn nuôi nông hộ, gia trại còn chiếm tỷ lệ cao, trong khi công tác vệ sinh chuồng trại chưa được người dân chú ý; việc kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển gặp nhiều khó khăn do lưu lượng vận chuyển heo và các sản phẩm chăn nuôi đi qua địa bàn rất lớn. Đặc biệt, thời gian bùng phát dịch trong nước lại đúng thời điểm Đắk Lắk diễn ra Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7, sẽ có một lượng lớn du khách đi từ vùng có dịch hoặc đi qua vùng có dịch đến tỉnh. Chính vì vậy nguy cơ xâm nhiễm và bùng phát bệnh dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn trong thời gian tới là rất cao nếu chúng ta không làm quyết liệt các biện pháp phòng dịch.

Trước nguy cơ cao dịch tả heo Châu Phi xâm nhiễm vào Đắk Lắk, Sở NN-PTNT đã triển khai những biện pháp ứng phó như thế nào, thưa ông?

Theo như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “Chống dịch như chống giặc”, Sở NN-PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các văn bản của Thủ tướng và Bộ NN-PTNT mà thể hiện rõ là Chỉ thị 03/CT-UBND, ngày 27-2-2019 của UBND tỉnh về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế dịch tả heo Châu Phi. Đồng thời, trên cơ sở những nguyên nhân gây lây lan bệnh dịch, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo cho các địa phương cũng như các ban, ngành chuyên môn tập trung cho công tác kiểm dịch động vật ở các trạm đầu mối ra, vào tỉnh; kiểm tra công tác giết mổ, tình hình vận chuyển thức ăn cũng như các sản phẩm chăn nuôi; tập trung cao cho công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, các hội nghị... nhằm giúp người dân nắm bắt thông tin và hiểu rõ về bệnh dịch này để không ảnh hưởng đến sản xuất hoặc tiêu dùng sản phẩm. Đặc biệt trong thời gian diễn ra Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7, ngoài những biện pháp đã nêu trên, Sở phối hợp với các ngành và địa phương lập 2 điểm tiêu độc, khử trùng phương tiện giao thông tại 2 tuyến đường chính đi vào các huyện Buôn Đôn, Lắk, những nơi diễn ra Hội đua voi và Hội đua thuyền nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm dịch tả heo Châu Phi vào địa bàn tỉnh.

°Bệnh dịch tả heo Châu Phi có những đặc điểm gì và ông có khuyến cáo gì đến người chăn nuôi và tiêu dùng?

Dịch tả heo Châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh qua tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh và xảy ra ở mọi loại heo, ở mọi lứa tuổi. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100%. Virus gây ra bệnh dịch tả heo Châu Phi có sức đề kháng cao trong môi trường, heo khỏi bệnh vẫn có thể mang trùng và truyền lây bệnh suốt đời. Virus có thể tồn tại thời gian dài trong thịt đông lạnh (1.000 ngày), giăm bông (140 ngày) nhưng virus có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 600C trong 20 phút.

Con người và phương tiện vận chuyển là hai yếu tố quan trọng làm lây lan bệnh dịch này ra diện rộng. Hiện nay chưa có vắc xin và thuốc điều trị dịch tả heo Châu Phi, vì vậy giải pháp phòng bệnh bằng các biện pháp an toàn sinh học là chính. Các hộ chăn nuôi heo nếu phát hiện heo bệnh, chết phải cách ly và báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y. Không bán chạy heo bệnh hoặc vứt xác ra môi trường làm lây lan dịch bệnh.

Loại virus này không lây nhiễm sang người, vì vậy người tiêu dùng không nên lo lắng và tẩy chay thịt heo mà nên lựa chọn, sử dụng thịt heo sạch, có nguồn gốc rõ ràng, có dấu kiểm định, đồng thời chế biến hợp vệ sinh…

°Xin cảm ơn ông!

Minh Thuận (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.