Thiên tai và nhân tai nhìn từ sự cố vỡ đê bao Quảng Điền
10:57, 01/11/2019
Sự cố vỡ đê bao Quảng Điền (huyện Krông Ana) xảy ra vào hồi giữa tháng 8 vừa qua chính là hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng xuống cấp, hư hỏng lâu nay của công trình. Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân chính do thiên tai gây ra, song cũng phải thừa nhận một phần do sự tác động của con người.
Một số địa phương thuộc huyện Krông Ana như Bình Hòa, Quảng Điền, Dur Kmăl, Băng Adrênh, thị trấn Buôn Trấp hằng năm phải chịu hậu quả do lũ lụt gây ra khá lớn. Từ khi hệ thống đê bao Quảng Điền hoàn thành đưa vào sử dụng đã góp phần hạn chế những thiệt hại do thiên tai xảy ra. Tuy nhiên, quá trình canh tác, hầu hết người dân địa phương không tuân thủ quy định về khoảng cách từ chân đê đến vùng sản xuất.
Đoạn đê bao Quảng Điền bị vỡ. |
Theo Quyết định số 13/2018/QĐ-UBND, ngày 21-6-2018 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định phạm vi vùng phụ cận đối với công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh: phạm vi vùng phụ cận được tính từ chân đê trở ra đối với đê bao liên xã tối thiểu là 6 m. Song theo quan sát thực tế trên tuyến đê bao Quảng Điền qua các xã Bình Hòa, Quảng Điền phần lớn người dân canh tác, sản xuất sát mép với chân đê bao, dẫn tới làm sạt lở công trình.
Tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ở huyện Krông Ana mới đây, một vị lãnh đạo của UBND huyện đã chỉ ra rằng, nguyên nhân dẫn tới tình trạng xuống cấp của hệ thống đê bao, một phần do thiên tai và một phần do ý thức, trách nhiệm của con người. Địa phương đã nhiều lần khuyến cáo, yêu cầu các xã lập biên bản từng hộ canh tác tại chân đê bao để tránh sạt lở, xói mòn; đồng thời đề nghị bà con tự giác chấp hành quy định về vùng phụ cận đối với chân đê bao. Tuy nhiên, cứ vào vụ sản xuất, tình trạng này lại tiếp diễn, đe dọa đến kết cấu chân đê bao.
Một thực tế cần phải nhìn nhận nữa là vấn đề chất lượng công trình. Dự án có tổng mức trên 300 tỷ đồng, toàn hệ thống được đưa vào sử dụng từ năm 2014. Tuy nhiên, cách đây 2 năm công trình này đã bộc lộ những bất cập, một số vị trí trên tuyến bị sạt lở, sụt lún trầm trọng, khiến nước sông tràn vào đồng ruộng, nếu không kịp thời khắc phục các vị trí xung yếu, nguy cơ vỡ đê, dẫn tới hệ lụy xóa sổ vùng chuyên canh sản xuất lúa là khó tránh khỏi.
Xuân Trường
Ý kiến bạn đọc