Multimedia Đọc Báo in

Quản lý tốt thức ăn trên đường phố là một nhiệm vụ rất khó

11:07, 16/04/2014

Kinh doanh thức ăn trên đường phố là loại hình kinh doanh thực phẩm khá phổ biến hiện nay, đáp ứng được nhu cầu của số đông người lao động. Song, làm thế nào để thức ăn luôn bảo đảm vệ sinh ATTP là vấn đề rất khó kiểm soát. Bác sĩ Bùi Quang Lộc, Chi cục trưởng Chi cục ATTP tỉnh đã chia sẻ với Báo Dak Lak đôi điều xoay quanh nội dung này.

Bác sĩ Bùi Quang Lộc.
Bác sĩ Bùi Quang Lộc.

* Thưa bác sĩ, khác với những năm trước, Tháng hành động vì chất lượng VSATTP năm nay lại chọn thức ăn đường phố làm chủ đề cho các hoạt động hướng tới. Việc lựa chọn chủ đề này xuất phát từ đâu?

Sở dĩ Tháng hành động vì chất lượng VSATTP năm 2014 lựa chọn chủ đề “An toàn thực phẩm thức ăn đường phố” là nhằm hướng tới mục tiêu để số đông người lao động được sử dụng thức ăn bán trên đường phố bảo đảm VSATTP, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Bởi, trên thực tế thức ăn đường phố có rất nhiều ưu điểm như rẻ, thuận lợi, đáp ứng được điều kiện kinh tế của số đông người lao động, song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ do sản xuất trong những điều kiện không bảo đảm ATTP từ nguồn nước, đồ dùng cho đến cơ sở vật chất và mang tính thời vụ, tạm bợ.

* Bác sĩ có thể cho biết, công tác quản lý thức ăn đường phố trên địa bàn tỉnh hiện tại được thực hiện như thế nào?

Thức ăn đường phố ở tỉnh hiện được chia về 2 cấp quản lý là UBND cấp huyện và UBND cấp xã, phường, thị trấn. Với sự phân cấp này, để quản lý tốt thức ăn đường phố là một nhiệm vụ rất khó, bởi thường thì thức ăn đường phố phục vụ ngoài giờ (buổi trưa, buổi tối), địa điểm không cố định nên khó khăn trong việc kiểm tra, kiểm soát cũng như cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện. Hơn nữa, muốn sản xuất hay kinh doanh về thực phẩm hay nói cách khác là phục vụ thức ăn đường phố vẫn phải bảo đảm 3 yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người (phải được tập huấn kiến thức về ATTP, phải được khám sức khỏe). Trên thực tế, việc trang bị kiến thức về vệ sinh ATTP cho người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn vẫn đang được thực hiện theo Quyết định số 43 ngày 20-12-2005 của Bộ Y tế. Tuy nhiên, đối với những cơ sở thức ăn đường phố nhỏ lẻ và phân tán thì việc triển khai khám sức khỏe, tập huấn kiến thức, cấp giấy chứng nhận hành nghề rất khó khăn, nếu Bộ Y tế không có văn bản hướng dẫn cụ thể thì công tác này không triển khai được.

aaa
Loại hình kinh doanh thức ăn đường phố khá phổ biến .

* Vậy, thời gian qua Chi cục ATVSTP tỉnh và các ngành hữu quan đã có những biện pháp phối hợp nào để công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh nói chung và thức ăn đường phố nói riêng được siết chặt hơn, thưa bác sĩ?

Hiện nay, ở các cấp đều có Ban Chỉ đạo bảo đảm VSATTP. Các ngành chức năng theo sự phân công của Ban Chỉ đạo này để thực hiện nhiệm vụ của mình. Theo Nghị định 38 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ATTP có phân công rõ ràng công việc, nhiệm vụ, phạm vi quản lý cho từng ngành mà cụ thể là các ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương và UBND các cấp. Có thể nói rằng, thời gian qua, tất cả các cấp, các ngành đều thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình để đạt được yêu cầu nhiệm vụ đề ra là thông qua công tác truyền thông giúp cho người sản xuất kinh doanh nắm được các quy định của pháp luật về ATTP để thực hiện đúng pháp luật; người tiêu dùng hiểu và sử dụng thực phẩm an toàn, tránh sử dụng những thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, những thực phẩm quá hạn, kém phẩm chất, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

Kim Xuân (thực hiện)
 


Ý kiến bạn đọc