Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột đẩy mạnh công tác quản lý trật tự xây dựng

07:54, 28/07/2018

Tốc độ đô thị hóa trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đang diễn ra nhanh chóng, khiến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đô thị diễn biến phức tạp.

Vấn đề này được ông VŨ VĂN HƯNG, Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột đề cập trong Chương trình “Dân hỏi - Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời” kỳ này.

Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng trả lời phóng viên Báo Đắk Lắk về công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.. Ảnh: H.Gia
Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng trả lời phóng viên Báo Đắk Lắk về công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.. Ảnh: H.Gia

• Xin ông cho biết những khó khăn, vướng mắc về giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột hiện nay?

Vướng mắc trong giải quyết TTHC lĩnh vực xây dựng cơ bản không có vấn đề gì lớn. Đây là việc làm thường xuyên mà UBND thành phố phải giải quyết cho người dân. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại hai vướng mắc trong thời gian vừa qua. Thứ nhất, khối lượng giấy phép xây dựng (GPXD) hiện nay tương đối lớn. Trong 6 tháng đầu năm 2018,  TP. Buôn Ma Thuột đã tiếp nhận hơn 1.300 hồ sơ xin cấp GPXD,  kết quả đã cấp gần 1.000 giấy phép cho các hộ dân có nhu cầu (trung bình một tháng phải giải quyết hơn 200 hồ sơ của 21 xã, phường). Chính vì vậy tạo ra một áp lực đối với cán bộ giải quyết hồ sơ cấp GPXD cho người dân, trong khi phải đảm bảo thời gian theo quy định. Thứ hai, việc quản lý sau khi cấp GPXD đối với những hộ dân có diện tích đất ở nhỏ (khoảng 40 m2 đến 50 m2). Bởi vì khi đã được cấp phép xây dựng nhà ở với diện tích này, nhưng thực tế nhiều người dân lại tự ý xây dựng vượt diện tích đã được cấp phép. Điều này khiến cho việc quản lý sau cấp phép xây dựng trở nên khó khăn hơn.

• Hiện nay, quá trình đô thị hóa tại TP. Buôn Ma Thuột đang diễn ra một cách nhanh chóng, dẫn đến trật tự xây dựng cũng diễn biến hết sức phức tạp. Xin ông cho biết,  UBND TP. Buôn Ma Thuột đã có những biện pháp gì để quản lý, giám sát hoạt động xây dựng, nhất là đối với nhà ở riêng lẻ?

Quá trình đô thị hóa nhanh là theo xu hướng phát triển chung và cũng là mong muốn của các cấp chính quyền, vì đó là nhu cầu phát triển tất yếu của đô thị. Song song với đó, cũng dẫn đến việc xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp hoặc xây dựng không phép diễn ra tương đối phức tạp. Ngay từ cuối năm 2016 đến năm 2017, UBND thành phố đã tập trung cao độ trong việc quản lý xây dựng nhà ở riêng lẻ trên địa bàn. Đầu tiên, thành phố đã tổ chức tập huấn cho cán bộ địa chính xây dựng; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các phường, xã; cán bộ quản lý xây dựng thuộc Phòng Quản lý Đô thị và Phòng Tài nguyên - Môi trường. Sau đó, thống nhất phương pháp, cách quản lý; giải đáp hết những thắc mắc cho các đối tượng này, đặc biệt là xã, phường; nâng cao trách nhiệm của Chủ tịch UBND các xã, phường trên địa bàn. Ngay từ đầu năm 2017, thành phố đã thành lập Tổ kiểm tra để giúp việc cho Chủ tịch UBND thành phố trong việc kiểm tra trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND của 21 xã, phường. Trong năm 2017, thành phố cũng đã có giới thiệu kiểm điểm đối với 5 Chủ tịch UBND xã, phường vì buông lỏng quản lý xây dựng, quản lý đất đai với hình thức xử lý từ khiển trách, cảnh cáo; cán bộ địa chính thì có người bị hạ bậc lương, điều chuyển, cảnh cáo... Tình trạng xây dựng sai phép và sử dụng đất không đúng mục đích, đến thời điểm này có thể khẳng định TP. Buôn Ma Thuột đã khống chế được. Điều này thể hiện ở số lượng hồ sơ cấp GPXD đối với nhà ở riêng lẻ trong 6 tháng đầu năm 2018 tăng rất cao (hơn 1.300 hồ sơ), tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, người dân cũng đã chủ động trong việc xin GPXD, cũng như chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang thổ cư, nộp tiền vào ngân sách nhà nước. Nhờ đó, ngân sách nhà nước đã thu được những khoản khá lớn, góp phần cho nhu cầu phát triển chung của thành phố.             

Người dân nhận kết quả hồ sơ đất đai tại Bộ phận một cửa của UBND TP. Buôn Ma Thuột.
Người dân nhận kết quả hồ sơ đất đai tại Bộ phận một cửa của UBND TP. Buôn Ma Thuột.

• Thưa ông, thời gian qua trên địa bàn thành phố đã có không ít trường hợp xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp. Theo quy định, việc xây nhà ở trên đất nông nghiệp sẽ bị xử lý như thế nào? Và thành phố xử lý các trường hợp vi phạm này ra sao?

Trong năm 2017, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột có trên 280 trường hợp xây dựng sai phép, xây dựng trên đất nông nghiệp không đúng quy định. Chính quyền từ thành phố tới xã, phường đã thực hiện các biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Đó là, những trường hợp xây dựng không phép mà phù hợp với đất ở thì yêu cầu người dân khắc phục bằng cách xin phép xây dựng; trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp phù hợp trong quy hoạch sử dụng đất thì yêu cầu người dân chuyển đổi mục đích và xin phép xây dựng; còn những trường hợp không phù hợp với đất ở thì yêu cầu khắc phục bằng cách trả lại hiện trạng đất ban đầu. Trong năm 2017, đã có trên 80% số trường hợp vi phạm đã được yêu cầu khắc phục theo quy định; còn lại những trường hợp khác như: khó khăn về nhà ở, đồng bào dân tộc thiểu số… thì UBND thành phố cũng đã cho gia hạn thêm thời gian để yêu cầu khắc phục. Từ đầu năm 2018 tới nay, có 85 trường hợp vi phạm, trong đó đã tự khắc phục vi phạm 17 trường hợp, đã cưỡng chế 11 trường hợp, còn lại các trường hợp khác thì sẽ tiến hành xử lý quyết liệt, theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, thành phố cũng chỉ đạo các xã, phường tăng cường công tác kiểm tra ngay từ lúc người dân bắt đầu tiến hành các hoạt động xây dựng để tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở người dân chấp hành theo đúng quy định, phấn đấu đến cuối năm 2018 sẽ hạn chế đến mức thấp nhất việc người dân vi phạm trong việc xây dựng nhà ở riêng lẻ.

• Xin cảm ơn ông!         

Duy Tiến (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.