Tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên học tập
Mỗi năm, Trường Đại học Tây Nguyên (ĐHTN) đào tạo hàng nghìn sinh viên thuộc nhiều chuyên ngành, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung.
Những chế độ, chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ sinh viên học tập ra sao? Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp?... Những vấn đề này được Phó Giáo sư - Tiến sĩ (PGS-TS) TRẦN TRUNG DŨNG, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHTN trao đổi trong chương trình "Dân hỏi - Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời" kỳ này.
● Xin PGS-TS cho biết một số kết quả nổi bật trong công tác đào tạo cũng như những chế độ, chính sách dành cho sinh viên Trường ĐHTN trong thời gian qua?
Trường ĐHTN hiện có 36 ngành đào tạo đại học chính quy, 2 ngành đào tạo tiến sĩ, 10 ngành đào tạo thạc sĩ và 1 ngành đào tạo chuyên khoa cấp I. Sau 40 năm thành lập, trường đã đào tạo được hơn 40.000 thạc sĩ, cử nhân, kỹ sư, bác sĩ; sinh viên sau khi ra trường đã có đóng góp quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Tây Nguyên.
Đối với các chế độ, chính sách dành cho sinh viên, hằng năm nhà trường dành hơn 5,8 tỷ đồng để cấp học bổng, khuyến khích học tập cho hơn 2.600 sinh viên; trong năm học 2017 - 2018, nhà trường thực hiện miễn giảm học phí với số tiền hơn 4,5 tỷ đồng cho 1.251 sinh viên; các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đã cam kết tài trợ học bổng ngoài trường cho sinh viên với số tiền gần 1,3 tỷ đồng. Trường cũng dành hơn 2,5 tỷ đồng để hỗ trợ chi phí học tập và gần 4 tỷ đồng hỗ trợ học bổng, trợ cấp xã hội cho sinh viên dân tộc thiểu số. Cùng với đó, các chính sách như: ưu đãi đối với người có công và con em của họ; vay vốn tín dụng đào tạo dành cho sinh viên; chính sách ưu tiên trong học tập và ở ký túc xá… luôn được Trường ĐHTN quan tâm thực hiện với mục tiêu tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ, khuyến khích sinh viên học tập.
● Thưa PGS-TS, để các chương trình đào tạo gắn với nhu cầu thực tế của xã hội cũng như thị trường lao động, thì vấn đề chuẩn đầu ra được nhà trường thực hiện như thế nào?
Việc xác định chuẩn đầu ra là một nhiệm vụ hết sức cần thiết và thường xuyên của nhà trường, cần phải thực hiện ba vấn đề cam kết, gồm: chuẩn về kiến thức, chuẩn về kỹ năng, chuẩn về phẩm chất đạo đức. Để thực hiện được các chuẩn đầu ra như vậy thì quan trọng nhất là phải bảo đảm các điều kiện để đáp ứng . Thời gian qua, Trường ĐHTN đã thực hiện tốt các chuẩn đầu ra theo quy định, như: chương trình đào tạo, thư viện giáo trình, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, phương pháp giảng dạy… Từ năm 2010 đến nay, Trường thường xuyên thực hiện việc công bố, ban hành, điều chỉnh các chuẩn đầu ra. Năm 2010, Trường ĐHTN đã công bố 38 chuẩn đầu ra, đến năm 2018 tiếp tục cập nhật, đánh giá và công bố thêm 15 chuẩn đầu ra của các chuyên ngành đào tạo của nhà trường.
Đại diện lãnh đạo Trường ĐHTN và Công ty cổ phần phân bón dầu khí Đạm Cà Mau trao học bổng tặng các sinh viên nhân dịp khai giảng năm học 2018 - 2019. |
● Việc làm của sinh viên sau khi ra trường đang là vấn đề nan giải. Vậy xin PGS-TS cho biết về tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm của Trường Đại học Tây Nguyên và vai trò của trường với vấn đề này?
Trường ĐHTN bắt đầu khảo sát tình hình việc làm của cựu sinh viên tốt nghiệp từ năm 2017. Đến nay, nhà trường đã có cơ sở dữ liệu về việc làm của cựu sinh viên tốt nghiệp được 2 năm. Trong năm 2018, nhà trường đã khảo sát được 1.647 cựu sinh viên tốt nghiệp của 35 chuyên ngành đào tạo, kết quả cho thấy tỷ lệ sinh viên có việc làm gần 70% (trong đó làm đúng chuyên môn được đào tạo chiếm gần 60%); thu nhập trung bình gần 6 triệu đồng/người/tháng; 99,8% sinh viên được khảo sát hài lòng về khóa học tại trường…
Căn cứ vào kết quả này cũng như những góp ý của cựu sinh viên, nhà trường sẽ có chiến lược để nâng cao chất lượng đào tạo; điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp hơn, linh động hơn; tăng cường công tác quảng bá về chất lượng và thương hiệu của nhà trường để thu hút người học. Cụ thể, trường sẽ mở rộng quy mô đào tạo những ngành có tỷ lệ việc làm cao; điều chỉnh những ngành có tỷ lệ việc làm thấp cũng như phương pháp giảng dạy của giảng viên theo hướng tích cực, chủ động; đầu tư cơ sở vật chất, tài liệu học tập nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về nguồn nhân lực của xã hội… Ngoài ra, hiện nay nhà trường cũng đã tăng thêm hai học phần là Khởi nghiệp và Kỹ năng mềm nhằm tăng cường các kỹ năng cho sinh viên, tăng cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.
● Xin trân trọng cảm ơn PGS-TS !
Duy Tiến (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc