Hãy trở thành "người bạn thực sự" của con trẻ
Khi xã hội ngày càng hiện đại, công nghệ càng phát triển, trẻ em cũng chịu nhiều tác động. Điều này đã đặt ra những khó khăn, thách thức trong công tác chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục trẻ.
Nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn khái quát hơn vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ MAI QUANG SƠN, Trưởng Bộ môn Tâm lý - Giáo dục, Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk.
Theo ông, trong thời điểm hiện nay, nhất là khi đại dịch COVID-19 bùng nổ và những tác động của thời đại công nghệ 4.0, trẻ em đang gặp phải những vấn đề gì?
Trẻ em Việt Nam hiện đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, rủi ro và thách thức trong cuộc sống. Các em thường gặp phải những vấn đề như: chứng kiến cảnh bạo lực gia đình, bạo lực học đường, thậm chí chính các em là nạn nhân. Không ít trẻ em bị xâm hại tình dục. Nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như: mồ côi, không nơi nương tựa, bị khuyết tật, tự kỷ…
Đặc biệt hơn, trong thời điểm đại dịch COVID-19 bùng nổ và những tác động của thời đại công nghệ 4.0 cũng đã và đang gây ra rất nhiều hệ lụy cho trẻ em. Dịch bệnh COVID-19 làm gián đoạn việc học tập của trẻ em tại các cơ sở giáo dục, sự tương tác giữa học sinh với thầy cô và bạn bè bị hạn chế; môi trường sống bị thu hẹp khi nhiều trẻ em phải tạm thời cách ly tại gia đình hoặc các trung tâm cách ly tập trung do dịch bệnh. Việc sớm được tiếp cận với công nghệ thông tin mà không có định hướng khiến không ít trẻ em lao vào thế giới ảo của các trò game online, tiếp xúc với các loại hình văn hóa phẩm đồi trụy…
Có cách nào để nhận biết trẻ em đang gặp những vấn đề như vậy không?
Những vấn đề hay khó khăn mà trẻ em gặp phải rất đa dạng và phức tạp. Ở từng trẻ cũng có những phản ứng và biểu hiện hành vi, tâm trạng, cảm xúc không hoàn toàn giống nhau. Có thể khái quát các biểu hiện sau: sự ham thích và sinh lực giảm sút; ít tập trung và dễ bị kích động; hoài nghi, thiếu tin tưởng để chia sẻ và mong chờ sự giúp đỡ; khó diễn tả cảm xúc, tâm trạng; hay buồn bã, khó tính và rất dễ nổi cáu; có suy nghĩ buông xuôi, nông nổi dẫn tới các hành động sai lầm...
Làm thế nào để cha mẹ, người thân có thể gần gũi và trở thành “người bạn thực sự” của trẻ, thưa ông?
Không ít người thường có quan điểm cho rằng, con cái phải hoàn toàn làm theo những yêu cầu của cha mẹ. Họ thường cấm đoán con không được làm điều này hay bắt buộc phải làm việc kia, thậm chí còn có những lời nói, hành động thô bạo, thiếu tôn trọng con khi trẻ mắc sai lầm… Chính những điều này đã tạo ra một khoảng cách vô hình, một “hàng rào tâm lý” ngăn cách giữa trẻ với cha mẹ và người thân trong gia đình. Trong khi trẻ rất cần có được sự quan tâm, yêu thương, gần gũi và chia sẻ thường xuyên của cha mẹ, người thân để có thể lớn lên và trưởng thành mỗi ngày.
Để trở thành “người bạn thực sự” của trẻ, cha mẹ và người thân cần biết đặt mình vào vị trí của con trẻ để hiểu được những mong muốn, suy nghĩ, tâm trạng hay những khó khăn mà trẻ đang gặp phải trong cuộc sống; luôn tôn trọng, yêu thương và giúp đỡ trẻ; tạo cho trẻ có được cảm giác an toàn và hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của gia đình; luôn tạo được sự gần gũi, thân mật, tin tưởng để con trẻ coi cha mẹ là những “người bạn thực sự” mà chia sẻ tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của mình.
Vậy gia đình, nhà trường và xã hội cần có sự quan tâm, tương tác như thế nào để chăm sóc, giáo dục, định hướng giúp trẻ phát triển toàn diện?
Gia đình, nhà trường là nơi có ảnh hưởng trực tiếp tới sự định hình, phát triển nhân cách của con người. Xã hội là nơi thử thách, đánh giá sự trưởng thành của nhân cách đó. Vì vậy, mỗi trẻ em nếu có được sự quan tâm đúng mức từ ba môi trường này thì tất yếu sẽ có điều kiện phát triển lành mạnh, hình thành, phát triển nhân cách tốt.
Cha mẹ và người thân không chỉ quan tâm, chăm sóc mà còn phải tôn trọng, hiểu đúng về con trẻ để việc giáo dục đúng, đạt hiệu quả; cần sớm phát hiện ở trẻ những thói quen, phẩm chất tốt để khuyến khích, bồi dưỡng, kịp thời uốn nắn những thói quen, ý nghĩ và hành động thiếu lành mạnh ở trẻ. Đồng thời các bậc cha mẹ cũng phải luôn là những tấm gương mẫu mực để trẻ noi theo.
Nhà trường và xã hội cần quan tâm, chăm lo hơn nữa tới chất lượng cuộc sống, học tập và vui chơi của trẻ em; tạo ra những điều kiện thuận lợi để trẻ có cơ hội rèn luyện, học tập và trưởng thành; mang lại cho trẻ một môi trường sống lành mạnh, an toàn và bình đẳng; giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường, xâm hại trẻ em; phòng tránh các tệ nạn xã hội... Quan trọng hơn, cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác chăm sóc, giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, ý chí vươn lên và khát vọng sống ở thế hệ trẻ.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Xuân (thực hiện)