Cửu vị thần công - kiệt tác của nghệ thuật đúc đồng Việt Nam
Trong các kiệt tác của nghệ thuật đúc đồng Huế còn lưu giữ đến ngày nay, Cửu vị thần công là sản phẩm có niên đại xưa nhất.
Theo Quốc sử quán triều Nguyễn, sau khi chiến thắng nhà Tây Sơn (1801), vua Gia Long đã cho thu về tất cả các đồ vật bằng đồng chiếm được và nấu chảy đúc thành 9 khẩu đại bác, tượng trưng cho sức mạnh và sự trường tồn của triều đại Nguyễn. Ngày khởi đúc là mùa Xuân năm Quý Hợi ( 31 - 1 - 1803), đến tháng 12 - 1804 là hoàn tất. Cửu vị thần công được đặt tên theo 4 mùa và ngũ hành. Thứ tự tên và khối lượng các khẩu: Xuân: 17.700 cân; Hạ: 17.200 cân; Thu: 18.400 cân; Đông: 17.800 cân; Mộc: 17.100 cân; Hỏa: 17.200 cân; Thổ: 17.800 cân; Kim: 17.600 cân; Thủy: 17.200 cân. Súng đồng dài nhất là 5,10m, đường kính nòng là 0,22m; đường kính ngoài nòng đoạn giữa là 0,54m, đế súng dài 2,75m, cao 0,73m, bánh xe đường kính 0, 62m. Theo giáo sư H.Lebris trong BAVH (Những người bạn Cố đô Huế, bản dịch tiếng Việt của NXB Thuận Hóa,1997), việc đúc súng thần công đặt dưới quyền giám sát của Đô Thống chế Nguyễn Văn Khiêm (Khiếm Hòa hầu) và Chánh quản cơ Hoàng Văn Cẩn, phó quản cơ Ích Văn Hiếu (Hiếu Thuận Hầu), Phan Tấn Cẩn, Tham tri Bộ Công ( Cẩn Tín hầu). Vua ban cho 4 vị tướng chỉ huy đúc súng các chức hầu có ý nghĩa: Khiếm hòa, cẩn thận, hiếu thuận, cẩn tín. Cửu vị thần công được thiết kế có mâm xoay nòng, mỗi khẩu được kê trên một giá súng bằng gỗ chạm trổ rất công phu. Hai bên giá là 4 bánh xe bằng gỗ viền sắt dùng để di chuyển. Trên súng có ghi rõ cách bắn như sau: Muốn bắn phải nạp 4 lớp thuốc súng, lớp đầu 30 cân thuốc súng cộng 40 cân đất ; lớp thứ hai 30 cân thuốc súng cộng 105 cân đất; lớp ba: 40 cân thuốc súng cộng 120 cân đất ; lớp cuối cùng 20 cân thuốc súng để bắn trái đạn. Muốn bắn mạnh hơn thì gia tăng thuốc súng lớp thứ tư, tối đa 30 cân sẽ đạt mức công phá mạnh nhất. Các hòn đạn thần công chế bằng đồng pha hoặc bằng gang, dài 5 tấc 2 phân, nặng 92 cân.
Cửu vị thần công được các nghệ nhân đúc đồng Huế trang trí chạm khắc công phu, trang trí cân đối các hình rồng nổi đè lên nhau được nạm vàng. Ngày xưa, súng được đặt ở Tả Xưởng Tướng Quân (ở bên trái Ngọ Môn), chứ không phải đặt chia ra hai bên như bây giờ. Năm 1816, chín khẩu súng được vua Gia Long đặt tên mới là: Thần Oai Vô Địch Thượng Tướng Công Cửu Vị. Đến thời vua Minh Mạng (1820 – 1840) lại ra Sắc phong cho súng là "Thống lĩnh quân đội, uy dũng ngang hàng với thần linh, vô địch tướng quân". Triều đình cử riêng một đội hình thường xuyên túc trực bên cạnh Cửu vị thần công để bảo vệ, đồng thời để tổ chức lễ cúng tế hằng năm rất chu đáo. Ngày trước, nơi đặt súng người ta lập bàn thờ sang trọng để thờ Thần Súng. Nhà vua phải cấp tiền để cúng Thần Súng. Lễ cúng diễn ra tại Đại Nội trong phòng của Hộ vệ vào các ngày mùng Một và Rằm hàng tháng.
Trong quá trình phát triển của Kinh thành Huế qua các triều vua Nguyễn, Cửu vị thần công luôn là biểu tượng sức mạnh của vương triều Nguyễn. Nhưng thực tế thì Cửu vị thần công chưa một lần nào tham gia khai hỏa để bảo vệ kinh thành, kể cả trong trận chiến đẫm máu khi kinh thành thất thủ tháng 7- 1885. Các khẩu thần công tham gia chiến đấu bảo vệ kinh thành, đánh Pháp ở Đà Nẵng, Gia Định đều được sản xuất dưới triều Tự Đức giống với Cửu vị thần công nhưng kích thước nhỏ hơn, cơ động linh hoạt hơn, nhưng sức công phá cũng kém hơn. Vì thế, các khẩu thần công sản xuất dưới thời Tự Đức, tham gia chiến đấu trên mọi miền đất nước đã mất mát gần hết. Còn Cửu vị thần công đúc thời Gia Long vẫn đặt ở chỗ cũ Tả Xưởng Tướng Quân như là chứng nhân thăng trầm của lịch sử.
Ngày nay đến Huế du khách sẽ được tận mắt thưởng lãm, được tận tay sờ Cửu vị thần công, khi vào Hoàng thành qua Cửa Quảng Đức (Cửa Sập) và Cửa Thể Nhơn (Cửa Ngăn). Ngoài giá trị lịch sử là kiệt tác đặc sắc nhất của kỹ thuật đúc đồng Huế, với nghệ thuật trang trí và chạm khắc trên đồng cũng như trên giá súng điêu luyện, tinh xảo, Cửu vị thần công còn là di sản văn hóa độc đáo khẳng định kỹ nghệ chế tác vũ khí ở trình độ cao của ông cha xưa. Đây là những khẩu thần công lớn nhất Việt Nam, một trong những bộ tác phẩm mỹ thuật bằng đồng có giá trị nhất của dân tộc Việt Nam còn lưu giữ đến ngày nay.
Ý kiến bạn đọc