Multimedia Đọc Báo in

Những điều đọng lại từ Liên hoan dân ca - dân vũ - diễn tấu cồng chiêng huyện Cư Kuin lần thứ III – 2011

08:41, 07/06/2011

Liên hoan dân ca - dân vũ- diễn tấu cồng chiêng huyện Cư Kuin lần thứ III- 2011 đã khép lại nhưng vẫn còn đó nhiều dấu ấn trong lòng người xem. Liên hoan lần này thu hút hơn 200 nghệ nhân, diễn viên đến từ 7 xã trên địa bàn tham dự, trong đó, có trên 15 đội chiêng già, trẻ với 36 tiết mục hát, múa, diễn tấu cồng chiêng, trình diễn nhạc cụ dân tộc. Nghệ nhân lớn tuổi nhất ngoài 80 và có không ít em nhỏ tuổi, mới chỉ lên 10 cũng tham gia biểu diễn. Đây là hoạt động được Phòng Văn hóa - Thông tin huyện tổ chức thường niên nhằm góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, truyền dạy những giá trị âm nhạc truyền thống cho thế hệ trẻ ; tạo sân chơi lành mạnh, thắt chặt tình đoàn kết, giao lưu học hỏi kinh nghiệm... giữa các xã trên địa bàn.

Có đến xem, thưởng thức những tiết mục độc đáo, mới thấy hết được không khí náo nức, tưng bừng và niềm say mê âm nhạc dân tộc của bà con nơi đây. Từ rất sớm, bà con đã có mặt, chỉnh tề trong bộ trang phục truyền thống ucar dân tộc mình, sẵn sàng bước vào hội so tài. Từ xa, tiếng cồng chiêng rộn ràng hòa quyện với nhịp xoang sôi động; tiếng sáo du dương trầm bổng đệm cho lời ay ray thêm ngọt ngào, da diết; lời kể khan của các ama ấm áp như lời ru… tất cả như một ngày hội thật sự ấn tượng, một sân chơi bổ ích, hấp dẫn để các nghệ nhân thỏa niềm đam mê của mình. Nét nổi bật của Liên hoan lần này, hầu hết các đơn vị về tham dự đều có sự chuẩn bị chu đáo và biểu diễn thành thạo, nhiều nghệ nhân lớn tuổi như: Y Gông Byă, H Wing, Aê Men.... thu hút được đông đảo người dân địa phương đến xem, cổ vũ và tiếp nhận nhiều vốn văn hóa cổ. Đặc biệt, sự xuất hiện của hai vợ chồng nghệ nhân Aê Jet (dân tộc Êđê, xã Ea B’Hôk) với tiết mục hát ayray, diễn tấu nhạc cụ do ông tự chế tác đã gây không ít bất ngờ, thú vị cho người xem. Cả hai vợ chồng đều đã tuổi ngoài tám mươi, nhưng có niềm say mê đặc biệt dành cho âm nhạc của dân tộc mình và thường xuyên tham gia biểu diễn ở nhiều nơi trong tỉnh. Nghệ nhân Aê Jet, tâm sự: “ Ngày nào còn sức khỏe, ngày đó mình sẽ còn tiếp tục hát ayray, thổi Đinh Năm, thổi đàn Prố. Mình rất mừng vì thế hệ trẻ hôm nay đã không quên bản sắc văn hóa dân tộc, đây cũng là dịp các cháu thể hiện và tự hào về vốn âm nhạc truyền thống, từ đó trân trọng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình”.

Tiết mục “Gọi về sum họp”của xã Ea Tiêu.
Tiết mục “Gọi về sum họp”của xã Ea Tiêu.
Bên cạnh đó, có nhiều đội chiêng nhỏ tuổi, đội múa phụ họa trên nền nhạc, biểu diễn khá thành thạo và “có hồn” như: đội nghệ nhân trẻ xã Ea Tiêu, Ea B’Hôk… Đây là tín hiệu vui chứng tỏ sức lan tỏa của âm nhạc dân gian vẫn còn được bà con truyền dạy và giữ gìn. Qua đó, đã có sự chuyển giao văn hóa giữa các nghệ nhân lớn tuổi truyền lại cho con cháu tiếp nhận, học hỏi. Nhiều đoàn tham dự có tài nghệ diễn tấu cồng chiêng rất thu hút, bài bản, có nhiều đoạn ngắt, chuyển, đối đáp được kết hợp liền mạnh, nhuần nhuyễn trong một liên khúc như bài : Mừng thọ (xã Ea K’tur), Ngày hội vui (xã Ea B’Hôk), Gọi về sum họp (xã Ea Tiêu)…  mang đến không ít bất ngờ cho người xem. Điều đáng nói là có không ít bài chiêng đã được các đội phục dựng lại theo bản cổ, trong đó, có cả những bài đã vắng bóng trên sân khấu cách đây hơn chục năm, như bài Pak gar gar (tiếng chim đa đa) có tiết tấu rất hay, nhưng rất khó thể hiện, song lại được đội chiêng xã Ea K’tur biểu diễn một cách liền mạch, thu hút; nghệ nhân xã Ea Ning góp vào liên hoan tiết mục diễn tấu cồng chiêng độc đáo với dàn chiêng quý, đầy đủ 10 chiếc, vẫn còn được lưu giữ trong nhân dân. Ở lĩnh vực dân vũ, nhiều bài múa theo nền nhạc còn nguyên bản, giữ được nghi thức múa cổ truyền của dân tộc như bài “Mời rượu”; về dân ca có những tiết mục hát đối đáp, hát ru đúng với tinh thần của những giá trị âm nhạc truyền thống như bài “Hát ru em” (dân ca M’nông) … Ông Hồ Đức Đồng, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Cư Kuin cho biết, nhiều đội  đã đem đến với liên hoan những tiết mục đặc sắc nhất, mang đậm bản sắc và được tập luyện khá công phu. Điều ghi nhận lớn nhất từ liên hoan là đã có sự chuyển giao văn hóa dân tộc giữa các thế hệ trên địa bàn, qua những lần tổ chức như thế đã góp phần làm cho hoạt động truyền dạy cồng chiêng, văn hóa - văn nghệ tại các xã trong huyện sôi nổi hẳn lên. Liên hoan lần này kết thúc vào đúng dịp hè, kỳ nghỉ này, huyện sẽ chú trọng  công tác đầu tư đào tạo, truyền dạy văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ. 

Liên hoan dân ca - dân vũ - diễn tấu cồng chiêng huyện Cư Kuin thật sự là ngày hội văn hóa nhằm tôn vinh, phát huy các giá trị âm nhạc truyền thống của dân tộc, chuyển giao văn hóa giữa các thế hệ, tạo sân chơi bổ ích, là dịp để bà con giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, thắt chặt thêm tình đoàn kết cùng nhau chung sức xây dựng buôn làng ấm no, văn minh, giàu đẹp.

 

Đỗ Lan

Ý kiến bạn đọc