Multimedia Đọc Báo in

Lễ hội Bà Thu Bồn

05:31, 02/03/2012

Đến hẹn lại lên, sau những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, vào trung tuần tháng hai âm lịch (từ mồng 10 đến ngày 12 tháng 2) thì tại làng Thu Bồn lại tưng bừng mở hội Bà Thu Bồn - vị thần luôn gắn với hình ảnh con sông thu bồn và được xem là bà mẹ của xứ sở tại làng Thu Bồn, nơi có con sông Thu Bồn chảy qua.

Bà con nông dân các xã lân cận về dự lễ hội Bà Thu Bồn.

Khi tiết trời vào xuân, lòng người bỗng rộn ràng hơn, cây cối đua nhau đâm chồi, nảy những lộc xuân mơn mởn, dòng Thu Bồn chảy ngang qua lăng Bà Thu Bồn (xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) bỗng trở nên trong xanh, êm đềm, thì cũng là lúc dân chúng địa phương và các vùng lân cận nô nức kéo về trẩy hội Bà Thu Bồn – một vị thần luôn được nhân dân ở đây nhắc đến với một tấm lòng thành kính và tôn trọng. Lễ hội diễn ra trong một không gian rộng từ dưới sông đến bờ sông, rồi đến những khu đất trống của làng và trang trọng nhất là lễ cúng tế được tổ chức tại lăng của Bà... Một đám rước nước ngay tại dòng sông Thu Bồn được tổ chức vào đêm 11 và rạng sáng ngày 12 tháng 2 âm lịch, mang theo những sắc màu lung linh rồi tụ về Lăng, mở đại lễ tưởng niệm Bà, với ước nguyện cầu cho quốc thái dân an, đất trời mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, gia đình hạnh phúc ấm no...

Việc thực hiện lễ hội được thực hiện rất chu đáo từ trước đó nhiều ngày. Trước ngày mở lễ hội, các vị chức sắc, bô lão trong làng họp bàn cách thức mở hội, cử chánh tế, lên lịch trình, phân việc cho mọi thành viên trong làng... Ông chánh tế được dân làng chọn sẽ là một cầu nối giữa cõi thiêng và tục, giữa thần và dân, thay mặt cho dân làng thể hiện lòng thành kính cũng như mọi đề đạt nguyện vọng của dân làng lên Bà. Vì vậy, chánh tế được chọn phải là người lớn tuổi, minh mẫn, có kinh nghiệm, có uy tín và am hiểu về phong tục cũng như lễ nghi của làng...Ban lễ do dân làng lập ra, phần lớn là những người có chân khoa mục, có học hành, có địa vị chức sắc trong làng, ngoài ra còn có nhiều nam thanh, nữ tú lo việc khiêng kiệu và rước nước...

Sau lễ nước là lễ rước sắc từ nhà ông chủ sắc về lăng Bà. Người dân vùng này kể lại, khi còn tượng Bà thì có lễ rước nước từ sông Thu Bồn lên lăng để tắm tượng. Lễ rước sắc sau khi bà được phong là “Mỹ Đức Thục hạnh Bô Bô Phu nhân Thượng đẳng thần”. Sau lễ rước sắc là lễ rước nước, dân làng tụ tập và đứng chật cứng bên bờ sông-đường dẫn vào lăng với thái độ kính cẩn trân trọng, nghiêm túc. Khi đám rước về đến lăng, sau 3 tiếng trống, ông chủ sắc khiêng hòm vào bàn thờ chính. Trước khi diễn ra nghi thức tế chính, có lễ cúng tiên thường, lễ vật chỉ dùng những đồ chay. Lễ vật tế thần gồm hai mâm xôi và một con nghé để nguyên con, bôi toàn màu đỏ của máu với hai chân trước quỵ xuống ở tư thế quỳ lạy...

Trong những ngày này, mọi người từ khắp nơi tấp nập tề tựu về làng Thu Bồn rộn rã như ngày Tết. Những người viếng lễ hội Bà gồm nhiều thành phần khác nhau, từ người buôn bán, khai thác lâm thổ sản đến những người dân bình thường ở những vùng miền lân cận, các khách thập phương trên mọi miền của đất nước. Đặc biệt, các cư dân làm nghề đánh bắt cá đến dâng lên thần những sản vật do chính mình đánh bắt được. Đến với lăng Bà, họ cầu mong sự che chở của Bà, cầu xin một năm tốt lành, ăn nên làm ra và luôn gặp được nhiều điều may mắn trong cuộc sống...

Lễ hội Bà Thu Bồn không chỉ thu hút du khách bằng phần lễ trang trọng, thiêng liêng mà còn cả phần hội với nhiều hình thức vui chơi phong phú, đa dạng, phù hợp với nhiều lứa tuổi và thu hút mọi người tham gia với nhiều hoạt động vui chơi phong phú: giới thiệu ẩm thực và biểu diễn cồng chiêng của dân tộc Cơ Tu, giao lưu văn hóa Việt-Chăm, đua ghe trên sông Thu Bồn, hô hát bài chòi, kéo co... Đặc biệt thu hút du khách nhiều nhất là hội đua ghe được tổ chức trên đoạn sông chảy qua làng Thu Bồn.

Có thể nói, lễ hội Bà Thu Bồn là một trong những sinh hoạt văn hóa cộng đồng hiện nay ở Quảng Nam còn duy trì mạnh mẽ trong sự kết hợp hài hòa giữa phần lễ và phần hội, giữa những giá trị vật chất và tinh thần, giữa đời sống tôn giáo tín ngưỡng và cuộc sống đời thường. Lễ hội Bà Thu Bồn phản ánh nhu cầu tâm linh lớn lao của một bộ phận dân cư ở Duy Xuyên nói riêng và Quảng Nam nói chung. Thông qua lễ hội, những tập quán trong tín ngưỡng, trong nếp nghĩ, lối sống và những ước vọng của người dân được bộc lộ rõ nét.

Mai Hồng Lâm


Ý kiến bạn đọc