Đưa ca dao Việt Nam đến với văn hóa Hàn Quốc
Ca dao là một nét văn hóa đặc biệt đã ăn sâu vào tiềm thức, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của mỗi người dân Việt Nam. Dù quen thuộc với tất cả những ai đang sinh sống trên đất nước hình chữ S nhưng ca dao Việt Nam vẫn còn xa lạ đối với nhiều nước. Với tình yêu ca dao sâu sắc, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Quế hiện đang là giảng viên ngành Hàn Quốc học (khoa Đông Phương – Trường Đại học Đà Lạt) đã quyết định làm một việc đầy ý nghĩa: đưa ca dao Việt Nam vượt biên giới đến với nền văn hóa của xứ sở kim chi…
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Quế - người đem ca dao Việt Nam đến với văn hóa Hàn Quốc. |
Đối với mỗi chúng ta, có lẽ ai cũng có một thời thơ ấu được đắm chìm trong giấc ngủ bởi những tiếng ru của mẹ; trong tiếng ru ấy có rất nhiều những câu ca dao đã ăn sâu vào trong tiềm thức cho đến khi ta lớn lên. Cũng như rất nhiều người Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Quế đã yêu ca dao từ những ngày thơ ấu. Anh chia sẻ: “Từ những ngày còn thơ, tôi đã được mẹ ru bằng những câu ca dao ngọt ngào. Sau này khi ru em, tôi cũng ru bằng những câu ca dao ấy. Tôi yêu ca dao vì nó là cái gì đó rất thiêng liêng được hun đúc tinh túy từ hồn của đất nước…”. Với Nguyễn Ngọc Quế, ca dao được cảm nhận là một tiếng ru trong trẻo và thánh thiện.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thái Bình, “quê hương năm tấn” anh hùng và cũng là nơi văn hiến hàm chứa nhiều giá trị văn hóa, vào Đà Lạt lập nghiệp nhưng anh vẫn nhớ những câu ca dao phản ánh sinh hoạt văn hóa và sản xuất trong những ngày ở quê hương. Anh thổ lộ: “Ở quê tôi, ca dao hiện hữu trong mọi hoạt động, nhất là trong sinh hoạt và sản xuất. Và ca dao là nét văn hóa có sức lan tỏa rộng rãi, nó là nét văn hóa của tất cả các dân tộc Việt Nam. Đi khắp mọi nơi, đâu đâu cũng được nghe những bài ca dao. Mỗi khi nghe tôi lại thấy tự hào về Tổ quốc”…
Là một giảng viên về ngành Hàn Quốc học, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Quế đã nhiều lần được đến đất nước này. Anh thấy giữa hai nền văn hóa có những điểm chung và đang ngày càng được giao thoa về nhiều mặt, trong đó có văn học. Tình yêu ca dao là động lực lớn khiến anh dày công tuyển chọn 103 bài ca dao đặc sắc của Việt Nam dịch sang tiếng Hàn rồi tập hợp thành một cuốn sách có tiêu đề tiếng Hàn Quốc là “Ca dao Việt Nam”. Các bài ca dao được anh chia theo các chủ đề: con người, phong tục, lao động, văn hóa. Về mục đích làm cuốn sách “Ca dao Việt Nam”, anh cho biết: “Tôi yêu đất nước, yêu ca dao của dân tộc và muốn đem ca dao đến với văn hóa Hàn Quốc để người dân nước bạn hiểu được nét đặc sắc của ca dao Việt Nam. Bên cạnh đó, giữa hai nước ngày càng có sự giao lưu nhiều hơn trong các lĩnh vực, tiêu biểu là lĩnh vực giáo dục; vì vậy có rất nhiều sinh viên Hàn Quốc học tiếng Việt Nam và ngược lại. Cuốn sách này sẽ giúp ích cho việc học của sinh viên thuận lợi hơn; ngoài ra nó cũng sẽ góp phần giúp những người muốn tìm hiểu về văn hóa Việt Nam có thêm tư liệu tiếp cận đến nét văn hóa đặc biệt này…”.
Cuốn sách “Ca dao Việt Nam” được trình bày theo lối song ngữ. |
Sau 2 năm vất vả tuyển chọn, biên soạn và dịch thuật, đến năm 2009 cuốn sách đã hoàn thành và được Nhà xuất bản Hak Ko Bang của Hàn Quốc xuất bản với số lượng lớn. Với cuốn sách này, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Quế cũng là người đầu tiên dịch ca dao Việt Nam sang tiếng Hàn Quốc. Cuốn sách được trình bày rất khoa học theo lối song ngữ (tiếng Hàn Quốc và Việt Nam); các hình ảnh minh họa phù hợp với nội dung truyền tải của từng bài và những địa danh, phong tục của Việt Nam trong từng câu ca dao cũng được chú thích cặn kẽ. Giáo sư Cho Kyu Ick hiện đang giảng dạy tại Trường Đại học Soong Sil (Hàn Quốc) cho biết: “Cuốn sách ca dao Việt Nam là một ấn phẩm đặc biệt được nhiều học sinh và nhân dân Hàn Quốc quan tâm tìm hiểu. Qua cuốn sách này, nhân dân Hàn Quốc hiểu thêm được một nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam – một nền văn hóa có nhiều nét độc đáo”.
Không chỉ dừng lại ở đấy, được phía Hàn Quốc cho phép, vào cuối năm 2012, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Quế sẽ xuất bản thêm cuốn sách “Truyện cổ tích Việt Nam bằng tiếng Hàn Quốc” gồm 24 truyện cổ tích tiêu biểu của Việt Nam được anh tuyển chọn và dịch thuật với mong muốn tiếp tục đưa văn hóa, văn học dân gian Việt Nam đến gần hơn với bạn bè Hàn Quốc.
Lê Khắc Niên
Ý kiến bạn đọc