Multimedia Đọc Báo in

Về Bạc Liêu nghe đờn ca tài tử

13:36, 18/01/2013

Khi nhắc đến đờn ca tài tử, hầu như mọi người đều nghĩ đến Bạc Liêu. Bởi từ lâu nơi đây được mệnh danh là một trong những cái nôi của loại hình nghệ thuật này. Mỗi khi tổ chức lễ lạt, cưới hỏi, tiệc tùng… đờn ca tài tử là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân.

Vừa qua, có dịp đi dự đám cưới nhà một người quen ở Bạc Liêu, điều khiến tôi không thể nào quên và cảm thấy rất thú vị là được nghe những “nghệ sĩ miền quê” thể hiện đờn ca tài tử.

Vào đêm nhóm họ, gia chủ chỉ thuê một người đánh đàn, còn phần đông “nghệ sĩ” là bà con lối xóm tự nguyện đến góp vui cùng gia đình. Khoảng 20 giờ mọi người bắt đầu tụ họp lại bắt đầu tổ chức đờn ca tài tử. Rất nhiều “nghệ sĩ” với đủ mọi lứa tuổi ngồi xung quanh tấm bạt trải dưới đất cùng ca hát thâu đêm. Mặc dù trong số những người ngồi hát ở đấy không hề có một ai được qua trường lớp đào tạo về đờn ca tài tử, chưa bao giờ được học các giai điệu, nhưng lại hát rất hay, rất say mê. Từ các điệu lý, hò, đến điệu nam ai, phụng hoàng… ai nấy cũng đều rất thành thạo. Điều đáng nói là số lượng bài hát mọi người biết và thuộc khá nhiều; có người ngồi ca suốt đêm mà vẫn chưa hết những bài hát đã thuộc.

Được biết, từ lâu đã thành thông lệ, mỗi khi có đám tiệc, người dân ở đây lại tổ chức đờn ca tài tử và hầu như ai cũng biết hát tài tử nên nhà nào có việc thì mọi người lại tập trung ca hát, giao lưu, tạo không khí vui vẻ, chan hòa, gắn kết tình làng xóm...

Đờn ca tài tử gắn với cuộc sống thường nhật của người dân không chỉ những lúc có tiệc hỉ, lễ lạt mà còn ngay cả những khoảnh khắc đời thường, khi vui, lúc buồn, họp mặt bạn bè, trong lao động… tiếng đờn ca tài tử đều được cất lên xua tan những mỏi mệt, thể hiện tâm trạng, tình cảm của người hát.

Có thể nói, đờn ca tài tử đã đi vào máu thịt, được hiển hiện rõ nét trong đời sống của người dân Bạc Liêu để mỗi người khách khi đến thăm đều đọng lại những ấn tượng khó quên về một vùng đất, con người gắn với loại hình nghệ thuật mang nhiều nét văn hóa độc đáo này.

Nguyễn Văn Dô


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.