Câu lạc bộ cồng chiêng thị trấn Ea Pôk: Lưu giữ mạch nguồn âm nhạc truyền thống
Được thành lập từ đầu năm 2010, sau quá trình hoạt động, đến năm 2012 đội văn nghệ cồng chiêng buôn Ea Mấp được UBND huyện mở rộng và công nhận là CLB cồng chiêng thị trấn Ea Pôk với 12 thành viên là người Êđê, trong độ tuổi từ 40 – 80 tuổi. Các thành viên trong CLB đều nhiệt tình, đam mê với cồng chiêng, có thể diễn tấu được nhiều bài chiêng truyền thống, được giới chuyên môn đánh giá cao bởi nghệ thuật diễn tấu nhuần nhuyễn, uyển chuyển, có hồn… Có được kết quả này, CLB đã mất không ít tâm sức để chọn lọc, tập hợp thành viên và trải qua một thời gian tập luyện kiên trì… Ông Ama Sỹ, Đội trưởng CLB cồng chiêng thị trấn Ea Pôk chia sẻ: “Trước đây cồng chiêng chủ yếu được dùng trong các ngày hội, lễ cúng… Tuy nhiên, hiện nay việc tổ chức các ngày này đã giảm rất nhiều, từ đó việc sử dụng cồng chiêng cũng dần bị mai một. Ban đầu để tìm được những người biết đánh thành thạo không phải dễ, bởi phần lớn các thành viên đã quên đi cách chơi cồng chiêng và đánh không được thành thạo như trước. Bên cạnh đó, do đời sống còn nhiều khó khăn nên các thành viên không mặn mà tham gia, chúng tôi phải đến tận nhà vận động rất nhiều lần. Để các thành viên đánh cồng chiêng được thành thạo như hiện nay, chúng tôi đã duy trì đều đặn các buổi tập luyện. Khi bắt tay vào luyện tập, các thành viên đều rất nhiệt tình, đoàn kết, chia sẻ những kinh nghiệm với nhau. Đến nay CLB đã đánh được nhiều bài như: Con mang nhảy bờ suối, Gió thổi hiu hiu…”.
Dù mới được thành lập không lâu nhưng CLB cồng chiêng thị trấn Ea Pôk đã dần khẳng định được mình và liên tục được mời biểu diễn tại các sự kiện lớn, nhỏ do địa phương tổ chức, để lại ấn tượng đẹp cho người xem. Không những vậy, CLB cũng nhiều lần đại diện cho địa phương tham dự các hội thi, hội diễn do huyện tổ chức. Mới đây, trong Hội thi văn nghệ - thể thao người cao tuổi huyện Cư M’gar năm 2013, CLB cồng chiêng thị trấn Ea Pôk đã đoạt giải Nhì…
Không chỉ chú trọng việc tập luyện, biểu diễn, CLB còn quan tâm đến việc bồi dưỡng, truyền dạy đánh cồng chiêng cho thanh thiếu nhi nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Ông Ama Sỹ trăn trở: “Hiện nay nhiều thanh niên trong các buôn làng đã không còn mặn mà với cồng chiêng. Do vậy việc tập hợp, bồi dưỡng, khơi gợi niềm say mê và hướng dẫn các cháu chơi cồng chiêng là rất cần thiết. Để đào tạo thế hệ sau tiếp nối những giá trị văn hóa cồng chiêng cha ông để lại, chúng tôi đã tìm và chọn những thanh niên có tâm huyết để truyền dạy. Đến nay CLB đã hướng dẫn và truyền đạt cho 12 thành viên nhỏ tuổi trong buôn Ea Mấp…”.
Trung Dũng
Ý kiến bạn đọc