Multimedia Đọc Báo in

Y Thu - Một niềm hy vọng...

11:07, 25/11/2014

Xem xong tiết mục “Độc tấu đàn T’rưng” do Y Thu biểu diễn tại Ngày hội văn hóa-thể thao các buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột được tổ chức vào trung tuần tháng 11 vừa qua, không ai là không tấm tắc khen ngợi tài năng của cậu bé ở độ tuổi 15 này. Nhiều nghệ nhân lớn tuổi cho rằng Y Thu là niềm hy vọng của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy vốn văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Tôi gặp và được thưởng thức tài nghệ của Y Thu từ khi cháu mới lên 9-10 tuổi. Ở độ tuổi ấy, cháu đã chơi nhuần nhuyễn các loại nhạc cụ như đàn T’rưng, kèn đing tút, đing buốt, ky pah… phục vụ du khách đến Buôn Ma Thuột. Ngôi nhà dài của nghệ nhân Y Thim Byă, cha Y Thu (ở buôn Ea Bông, xã Cư Êbur TP. Buôn Ma Thuột) luôn là điểm đến cho những ai thích tìm hiểu, nghiên cứu và khám phá vốn dân ca, dân vũ của người Ê đê bản xứ và những dịp như thế, cậu bé Y Thu bao giờ cũng trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của mọi người.

Còn nhớ cuối năm 2009, tôi cùng đoàn khách đến từ TP. Hồ Chí Minh (trong đó có cố nhạc sĩ, nhà nghiên cứu, phê bình âm nhạc Tô Vũ) vào nhà Y Thim uống rượu cần, thưởng thức cồng chiêng và xem biểu diễn văn nghệ dân gian. Bữa ấy, cả đoàn như bị mê hoặc và lôi cuốn trước những tiết mục do “nghệ sĩ nhí” Y Thu biểu diễn: Độc tấu nhạc phẩm “Mùa hái quả” trên đàn T’rưng khiến người xem có cảm giác mỗi thanh tre trúc đơn sơ và mộc kia, dưới bàn tay của Y Thu bỗng trở thành những phím đàn piano thực sự - lúc du dương, dìu dặt, lúc mạnh mẽ, cao trào… Bất kỳ ai nghe qua tiết mục này đều ngỡ rằng, mình đang ngồi thưởng thức “bữa tiệc âm nhạc” trong một khán phòng hiện đại, chứ không phải trên ngôi nhà dài bình dị giữa buôn Ea Bông thanh bình ấy. Cố nhạc sĩ Tô Vũ đánh giá: Phải có khả năng cảm thụ âm nhạc tinh tế, sự rèn luyện chuyên cần và hơn thế là tài năng thiên phú mới chuyển tải nổi một tác phẩm hiện đại được nhạc sĩ Hữu Xuân viết riêng cho piano sang đàn T’rưng truyền thống độc đáo đến như vậy. Có thể nói, cậu bé con nhà Y Thim là một hiện tượng âm nhạc thật sự. Nhiều người hỏi tác phẩm “Mùa hái quả” do nhạc sĩ Hữu Xuân (Trường VH-NT Quân đội) ở Hà Nội biên soạn để giảng dạy cho sinh viên theo học chuyên ngành piano, sao Y Thu biết và chơi hay đến thế? Y Thu cười hồn nhiên và trả lời: “Cháu học từ anh trai mà, anh Y Nal học ở Học Viện âm nhạc Huế về bày lại cho cháu đấy”. Hóa ra là thế, nhưng chuyển từ piano sang T’rưng đâu phải chuyện đơn giản? Y Thu cười tủm tỉm: “Nghe mãi thành quen, gõ trên phím piano cũng giống như gõ trên thanh nứa T’rưng thôi. Cái tai phải biết nhiều, không thì khó lắm!”

Y Thu đệm kèn đing năm cho bạn diễn trong đội văn  nghệ dân gian buôn Ea Bông tại Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số toàn thành phố lần thứ VIII - năm 2014.
Y Thu đệm kèn đing năm cho bạn diễn trong đội văn nghệ dân gian buôn Ea Bông tại Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số toàn thành phố lần thứ VIII - năm 2014.

Lần này, trong Ngày hội văn hóa trên, tôi gặp lại Y Thu - cháu đã bước vào tuổi 15 (học lớp 9, Trường THCS Trưng Vương - TP. Buôn Ma Thuột). Y Thu khoe:  “Ngoài tiết mục độc tấu đàn T’rưng, cháu cùng đội chiêng trẻ của buôn Ea Bông còn tham gia diễn tấu ching Kram (chiêng tre) và chiêng đồng K’nah”. Tôi ngồi xem Y Thu biểu diễn và quả thật chất nghệ sĩ của cậu bé con ngày nào, giờ đây vẫn thế: đam mê cháy bỏng hết mình và tất nhiên tài nghệ cũng như kỹ năng biểu diễn đã dày dặn, hoàn thiện hơn. Những tiết mục của Y Thu cùng bạn bè đồng trang lứa buôn Ea Bông đều đoạt giải Nhì và Ba cho phần thi văn nghệ dân gian tại Ngày hội. Nghệ nhân già Ama Kla tự hào rằng: “Cái giải không quan trọng bằng lòng đam mê, sự kế thừa và sáng tạo của lớp con cháu hôm nay, trong đó Y Thu là một điển hình tiêu biểu. Nó (chỉ Y Thu) biết nhiều lắm đấy-từ đánh chiêng đến các loại đàn, kèn T’rưng, đing tút, đing năm, đinh buốt, ky pah… của người Ê đê, Ja rai đều chơi được hết. Có loại như đàn T’rưng và thổi đing buốt, nó còn chơi hay hơn cả cha lẫn người già trong buôn nữa đó”. Quả thực có đôi lần tôi đã chứng kiến Y Thu diễn tấu bài dân ca “Gọi cháu về” bằng đàn T’rưng và kèn đing buốt khiến khán giả xuýt xoa khen ngợi. Y Thu bảo tiết mục này được ngành văn hóa Dak Lak đưa đi biểu diễn ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Gần đây nhất là đầu tháng 6-2013, Y Thu cùng với Đoàn ca múa dân tộc Dak Lak tham gia Hội diễn văn nghệ dân gian các dân tộc thiểu số khu vực miền Trung-Tây Nguyên tổ chức tại Quảng Nam và Thanh Hóa đã để lại ấn tượng khó phai trong lòng người hâm mộ.

Theo nghệ nhân Y Thim (cha Y Thu), sự độc đáo, cuốn hút của tiết mục độc tấu trên là kể một câu chuyện (sự tích) đầy thương cảm của người Ê đê không những bằng nhạc cụ tiêu biểu, độc đáo mà còn bằng lối hát Kưt đậm đà bản sắc của dân tộc mình. Bài dân ca “Gọi cháu về” kể rằng: Ở một buôn nghèo, có hai bà cháu sống với nhau thân thiết, chan hòa. Một hôm vào rừng hái rau về ăn, người cháu nấu một nồi canh thật ngon cho bà. Khi dọn ra, thấy rau chỉ còn một nhúm, bà nghi cháu mình đói nên ăn bớt, bèn có lời mắng mỏ… Đứa cháu bị mắng oan, buồn quá bỏ nhà ra đi. Một con trăng, rồi hai ba con trăng trôi qua mà người cháu vẫn không về. Bà nhớ cháu, vượt qua năm rừng, bảy núi đi tìm nhưng không thấy. Người cháu đã chết và linh hồn nó hóa thành ngọn gió, đêm đêm trở về thổi vào những ống nứa dựng bên cầu thang, phát ra những âm thanh du dương, trầm bổng như oán trách, giận hờn xen chút tha thiết, vỗ về… Người bà đã lấy những cây nứa ấy làm ra chiếc kèn để thổi cho vơi đi nỗi nhớ nhung về đứa cháu đáng thương của mình. Làn điệu dân ca “Gọi cháu về” và chiếc kèn đing buốt ra đời từ đó. Giờ đây nó trở thành vốn văn hóa độc đáo và hết sức nhân văn của người Ê đê bản địa. Vốn văn hóa ấy lại thăng hoa đưới đôi bàn tay tài hoa của Y Thu - một thế hệ được kỳ vọng sẽ làm sáng lên giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số trên vùng đất này.

Y Thu tâm sự với tôi trước khi chia tay trở lại buôn Ea Bông: Cháu đang theo cậu ruột Y Drim Êban học thêm đàn piano để sau này thi vào Trường Cao đẳng Văn hóa Dak Lak sẽ có điều kiện nâng cao kiến thức và sáng tạo thêm vốn âm nhạc của dân tộc nhằm phục vụ công chúng và bạn bè, bà con thân thiết của mình. Mọi người đang chờ và luôn theo dõi mỗi bước trưởng thành trên con đường nghệ thuật lắm chông gai, nhưng cũng đầy vinh quang mà cháu đã chọn.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc