Multimedia Đọc Báo in

Làm cách nào tìm được cuốn sách hay?

16:11, 09/11/2014
Tôi có một cô con gái đang học Tiểu học. Ham thích đọc sách và lại đang ở độ tuổi tò mò về thế giới xung quanh nên cháu rất hay hỏi rằng từ này nghĩa thế nào, tại sao lại gọi như thế. Những câu hỏi “cắc cớ” của cháu nhiều lúc cũng khiến cha mẹ lâm vào thế “bí”, thế nên tôi đưa cho cháu một quyển Từ điển Tiếng Việt, dạy cháu cách tra từ, cũng coi như một cách giúp cháu trau dồi vốn từ của mình. Vụ lùm xùm xung quanh cuốn Từ điển Tiếng Việt của tác giả Vũ Chất do Nxb Trẻ phát hành năm 2001 với nhiều định nghĩa được coi là “gây sốc”, “thảm họa” khiến tôi giật mình, vội vàng xem lại cuốn từ điển đã đưa cho con. Thở phào vì may mắn đó là một cuốn sách nghiêm túc của Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, song câu chuyện lại khiến tôi có nhiều trăn trở về chất lượng xuất bản hiện nay.

Quyển “Từ điển Tiếng Việt” của Vũ Chất đã được lưu hành hơn chục năm nay, với những định nghĩa sai, ngớ ngẩn kiểu như “bồ bịch là bạn bè thân thích”, “ngồi là đặt đít xuống chỗ nào”, “lâu đài là lầu và đền đài”, “nắn bóp là nắn và bóp”…  mà không cơ quan, ban ngành chức năng nào phát hiện được nội dung “có vấn đề” của nó, cho đến khi một độc giả phát hiện và chụp ảnh nội dung cuốn sách đưa lên… mạng xã hội Facebook. Lúc đó, các ngành chức năng mới nháo nhào tìm xem cuốn sách của Nxb nào, sao lại “lọt” qua khâu biên tập, kiểm duyệt và tồn tại hàng chục năm trên thị trường, lại có cả trong danh mục lưu trữ tại Thư viện Quốc gia! Đến bây giờ, khi đã thực hiện động tác thu hồi, người ta vẫn không thể tìm ra tác giả Vũ Chất là ai và các giáo sư, nhà nghiên cứu ngôn ngữ học đều khẳng định không biết ông nào là Vũ Chất!

Từ cuốn từ điển nói trên, báo chí tìm hiểu mới phát hiện ra rằng hóa ra còn có nhiều cuốn từ điển khác “kiểu Vũ Chất” cũng đang lưu hành. Thậm chí trong một quyển từ điển Tiếng Việt dành cho học sinh tiểu học còn mới toanh (được in xong và nộp lưu chiểu vào quý III năm 2012), người ta còn đăng nguyên văn thế này “Tâm thần (dt): Tâm trí và tinh thần. Rất đơn giản như là… đang giỡn”. Chuyện thật mà cứ như đùa! Sự cẩu thả, vô trách nhiệm còn đến mức mới đây người ta thậm chí đã trao giải Sách hay 2014 cho một cuốn sách được "tái bản và sửa chữa" một cách cẩu thả, vi phạm bản quyền. Đó là cuốn sách “Văn hóa tộc người Việt Nam” được “tái bản và sửa chữa” từ cuốn sách gốc mang tên “Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người” của Nguyễn Từ Chi (Nxb Văn Hóa Thông Tin và Tạp chí Văn Hóa Nghệ Thuật ấn hành năm 1996). Không chỉ đổi tên sách dẫn đến vi phạm quyền tác giả, làm sai lệch ý nghĩa cuốn sách mà những người xuất bản còn bớt xén nhiều thông tin trong cuốn sách gốc.

Tôi tự hỏi còn bao nhiêu những ấn phẩm khác đầy lỗi, đầy “sạn” vẫn đang lưu hành trên thị trường? Người ta phàn nàn rất nhiều về sự mai một của văn hóa đọc. Nhưng trớ trêu thay, những người còn tha thiết với việc đọc sách giờ chẳng biết tin vào đâu để chọn lựa cho mình một cuốn sách hay trước những yếu kém của ngành xuất bản và “lỗ hổng” trong quản lý xuất bản phẩm. Cách đây vài năm, có người “mách” bí quyết chọn sách là cứ chọn những nhà xuất bản lớn, mang tính “trung ương” chứ đừng chọn những nhà xuất bản địa phương, nhưng giờ thì ngay cả những nhà xuất bản lớn cũng có những cuốn sách lỗi. Lại có nhiều người có chút kiến thức về ngoại ngữ khi chọn một cuốn sách dịch phải tìm luôn bản gốc bằng tiếng bản ngữ để vừa đọc vừa đối chiếu. Cứ loay hoay thế, rốt cuộc những người thích đọc sách “đúc kết” lại là chỉ còn tin vào... chính mình, tự tìm bằng kiến thức và sự trải nghiệm của mình, may mắn sẽ tìm được những cuốn sách hay, đáng đọc. Ngẫm mà buồn!

Hồng Thủy


Ý kiến bạn đọc