Multimedia Đọc Báo in

Ngày hội văn hóa-thể thao các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số TP. Buôn Ma Thuột lần thứ VIII-năm 2014: Đến hẹn lại lên...

10:11, 14/11/2014

Ngày hội được tổ chức thường niên, là dịp để bà con đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột gặp gỡ, giao lưu… qua đó cùng nhau gìn giữ và phát huy vốn văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc của mình.

N ăm 2014 là năm thứ 8 liên tiếp Ngày hội văn hóa-thể thao các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột được tổ chức và ngày càng quy mô với nhiều nội dung phong phú, có sức lan tỏa hơn. Tham gia Ngày hội tại buôn Kmrơng Prông A - xã Ea Tu có trên 200 nghệ nhân, diễn viên và vận động viên quần chúng đến từ 16 thôn, buôn thuộc 6 xã, phường (cụm 1), gồm: Ea Tu, Cư Êbur, Hòa Thắng, Tân Lập, Tân Lợi, Thành Nhất.
Hai đội chiêng trẻ và già của buôn Ky, phường Thành Nhất tham gia Ngày hội.
Hai đội chiêng trẻ và già của buôn Ky, phường Thành Nhất tham gia Ngày hội.

Tại đây, như một điểm hẹn - các nội dung thi đấu gồm: diễn tấu cồng chiêng, múa hát dân ca, dân vũ, trình diễn trang phục, dệt thổ cẩm, ẩm thực, giã gạo và các môn thể thao truyền thống: đẩy gậy, kéo co, đi cà kheo… đã được bà con đồng bào các dân tộc tại chỗ hào hứng tham gia suốt ngày 11-11 vừa qua. Tiếp đó, vào ngày 14-11, Ngày hội trên được tổ chức tại xã Hòa Xuân (cụm 2) dành cho các xã, phường cánh Đông-Nam, gồm: Ea Kao, Ea Tam, Khánh Xuân, Hòa Khánh, Hòa Xuân và Hòa Phú. Ông Y Blao Bkrông - Phó Chủ tịch UBMTTQ thành phố Buôn Ma Thuột - thành viên Ban tổ chức Ngày hội đánh giá: Điều đáng mừng nhất là năm nay, số đội chiêng trẻ tham gia tăng lên so với các lần trước. Trong số 15 đội chiêng đến từ 16 thôn, buôn đã có 3 đội chiêng trẻ của buôn Ea Bông (xã Cư Êbur), buôn Ky (phường Thành Nhất) và buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi) góp mặt với khí thế và sắc thái mới. Các em không những diễn tấu được chiêng tre, mà cả chiêng đồng cũng thể hiện rất tốt trên phương diện kỹ thuật lẫn bài bản, có sự kế thừa và sáng tạo mới.

Y Thu Êban - Đội văn nghệ dân gian trẻ  buôn Ea Bông, xã Cư Êbur độc tấu đàn T'rưng với bài
Y Thu Êban - Đội văn nghệ dân gian trẻ buôn Ea Bông, xã Cư Êbur độc tấu đàn T'rưng.

Nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng lừng danh buôn Kô Siêr-Ama Pô cũng thừa nhận điều đó và ông cho rằng: Cứ mỗi dịp Ngày hội được tổ chức là mỗi lần các cộng đồng dân tộc ở đây có cơ hội đánh giá, kiểm chứng lại vốn văn hóa truyền thống của mình. Qua thực tế cho thấy, bên cạnh số lượng các đội chiêng trẻ tăng lên và được Hội đồng thẩm định đánh giá là có chất lượng thì phần thể hiện văn nghệ dân gian cũng có những tín hiệu khả quan. Chẳng hạn các làn điệu hát Kưk, hát Aray có đệm cồng chiêng, kèn đing năm, đing tút... được thế hệ trẻ kế thừa và thể hiện một cách nhuần nhuyễn. Nét mới rất đáng được khích lệ trong Ngày hội văn hóa-thể thao lần này là đã thấy lớp trẻ hát kể Khan khá bài bản và hấp dẫn không thua kém gì các nghệ nhân già vốn còn lại rất ít trong các buôn làng. Tiết mục hát kể Khan “Mdrong Dam” của Y Who Knul (33 tuổi, ở buôn Akô Dhông) là một tín hiệu vui và cũng là hy vọng mở ra trong việc kế thừa, phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu, giàu bản sắc này. Y Who tâm sự: “Khan “Mdrong Dam” dài lắm, phải hát kể 4-5 ngày đêm mới hết. Mình học từ những người già hồi 15-16 tuổi, đến giờ cũng đã thuộc gần hết. Hôm nay không có thời gian nên chỉ hát kể một đoạn ngắn thôi, nói về tinh thần và nghị lực của chàng Mdrong Dam giúp dân làng vượt qua gian khó, từng bước xây dựng cuộc sống ấm no hơn…”. Được biết tác phẩm này đã được xuất bản thông qua Dự án “Sưu tầm, biên dịch và xuất bản Sử thi Tây Nguyên” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai từ năn 2007, Y Who cùng cha mình đã hợp tác và đóng góp tích cực với những người thực hiện dự án trong hơn ba năm qua (2007-2010).

Ông Đoàn Văn Thống-Trưởng Phòng VH-TT TP. Buôn Ma Thuột, kiêm Phó Ban tổ chức Ngày hội văn hóa-thể thao các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số lần thứ VIII-năm 2014 nhận xét: Sự quan tâm, đầu tư đúng mức của Đảng, Nhà nước đã bắt đầu cho thấy hiệu quả trong công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các cộng đồng người bản địa. Đặc biệt là bước trưởng thành, kế thừa có chọn lọc của thế hệ trẻ trong đời sống hiện nay-từ nhịp chiêng đến các làn điệu dân ca, dân vũ của cha ông họ để lại, các em đã sáng tạo nên những giai điệu, tác phẩm mới dựa trên vốn văn hóa truyền thống sâu dày và đặc sắc của dân tộc mình để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đa dạng, phong phú trong đời sống đương đại. Có thể nói, bước kế thừa ấy là gạch nối giữa quá khứ-hiện tại-tương lai không đứt gãy của các cộng đồng dân tộc ở đây. Nó tiếp tục tạo nên sức mạnh nội sinh vốn có trong bối cảnh xã hội mới để giúp bà con tự tin hơn trên con đường hội nhập và phát triển. Mong rằng mỗi dịp hội mở ra sẽ là điểm hẹn cho tất cả các thành viên trong cộng đồng gặp gỡ, nhìn lại và khẳng định vị thế của mình trong dòng chảy văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc