Multimedia Đọc Báo in

Những đội cồng chiêng trẻ trên đất Buôn Hồ

09:33, 21/11/2014
Cồng chiêng vốn là tài sản vô giá, gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Tây Nguyên bao đời nay, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động, sản xuất và sinh hoạt hằng ngày.
 
Tuy nhiên hiện nay, nền văn hóa hiện đại và lối sống mới làm ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức của giới trẻ nói chung và giới trẻ là người dân tộc thiểu số nói riêng; thế hệ trẻ ít, hoặc không quan tâm đến cồng chiêng, đến truyền thống văn hóa của chính dân tộc mình dẫn đến nguy cơ những giá trị văn hóa truyền thống dần bị mai một, lãng quên. Chính vì thế, việc định hướng, giáo dục đạo đức, lối sống và truyền cho giới trẻ những tinh hoa văn hóa của dân tộc là việc làm rất cần thiết, bởi chính giới trẻ sẽ trở thành những người gìn giữ, giao lưu, tạo điều kiện cho nền văn hóa truyền thống đó được gìn giữ, lưu truyền và phát triển.
Đội cồng chiêng trẻ biểu diễn tại Liên hoan thanh niên hát dân ca  và diễn tấu nhạc cụ dân tộc thị xã Buôn Hồ lần thứ 2 - năm 2014.
Đội cồng chiêng trẻ biểu diễn tại Liên hoan thanh niên hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc thị xã Buôn Hồ lần thứ 2 - năm 2014.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, những năm qua thị xã Buôn Hồ luôn quan tâm và tạo điều kiện để hoạt động học đánh cồng chiêng được duy trì tổ chức thường xuyên. Hiện nay, trên địa bàn thị xã có khoảng 10 đội cồng chiêng, tập trung ở các xã, phường như: An Lạc, Đạt Hiếu, Ea Blang, Ea Drông, Cư Bao, Thống Nhất, Bình Thuận. Mỗi đội có từ 7- 9 em, lứa tuổi từ 11 tuổi trở lên. Các đội cồng chiêng sinh hoạt tập luyện vào các buổi tối trong tuần (bình quân 3 đêm/tuần). Dạy các em đánh cồng chiêng là các nghệ nhân tại địa phương, phần lớn là những già làng, những người am hiểu truyền thống của dân tộc mình và tích cực luyện tập, tìm hiểu, sưu tầm các điệu chiêng truyền thống như: mừng lúa mới, mừng mùa, mời rượu khách quý, đánh chiêng lễ hội, đám tang, lễ bỏ mả… để truyền dạy cho các em. Thông qua những buổi luyện tập này, các em là thanh thiếu niên dân tộc thiểu số đã có được không gian giao lưu và rèn luyện các kỹ năng, phương pháp đánh cồng chiêng, nhờ đó giúp các em hiểu được giá trị to lớn của nghệ thuật cồng chiêng cũng như tác dụng của nó trong đời sống xã hội, thôi thúc các em có ý thức học tập nghiêm túc để góp phần gìn giữ, lưu truyền và phát triển nghệ thuật đánh cồng chiêng của dân tộc mình. Trong quá trình hoạt động, rèn luyện, các đội cồng chiêng cũng thường xuyên được thể hiện khả năng và kết quả học tập của mình trong các hội thi, hội diễn văn nghệ tại địa phương, các hoạt động như: “Buôn vui chơi buôn ca hát”, Liên hoan thanh niên hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc, hay đi thi cấp tỉnh… Qua đó các em được giao lưu học hỏi kinh nghiệm và tiếp tục phát huy năng khiếu, giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa của ông cha.

Có thể nói, sự ra đời và hoạt động của các đội cồng chiêng trẻ trên địa bàn thị xã Buôn Hồ tuy còn nhiều khó khăn, nhưng đã góp phần khơi gợi, kêu gọi cộng đồng cùng vào cuộc gìn giữ bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống, khôi phục và hồi sinh các giá trị văn hóa đã bị mai một tại chính nơi đã sản sinh ra nó… Với những hoạt động tích cực, đúng hướng, hy vọng những đội cồng chiêng trẻ sẽ góp phần gìn giữ, bảo tồn truyền thống văn hóa của dân tộc, góp phần đưa âm thanh cồng chiêng của người Tây Nguyên ngân vang xa hơn, còn mãi với thời gian.

 Hồng Nghĩa


Ý kiến bạn đọc