Multimedia Đọc Báo in

Liên hoan Thanh niên hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc tỉnh lần thứ III năm 2014: Đặc sắc và sâu lắng!

10:55, 24/11/2014

Những làn điệu dân ca ngọt ngào, đằm thắm, những tiếng trống, vũ điệu cồng chiêng âm vang núi rừng… là cảm nhận của những người say mê “vốn” văn hóa của dân tộc khi đến với Liên hoan Thanh niên hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc tỉnh lần III năm 2014 được tổ chức ngày 18 và 19-11 vừa qua.

Liên hoan Thanh niên hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc tỉnh lần thứ III năm 2014 do Hội LHTN Việt Nam tỉnh tổ chức, với sự tham gia của hơn 700 diễn viên, nghệ nhân không chuyên đến từ 15 đoàn nghệ thuật quần chúng của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Các tiết mục dân ca với lời ca ngọt ngào, sâu lắng, chứa chan tình yêu đất nước, con người và mang đậm bản sắc các vùng miền đã để lại trong tâm trí người xem những ấn tượng khó phai. Tiêu biểu là các tiết mục: đơn ca nữ “Mười thương” (huyện Krông Pak), “Lý ngựa ô” của đơn vị huyện Krông Năng và thị xã Buôn Hồ, “Ru em mùa suốt lúa” (TP. Buôn Ma Thuột 1). Đặc biệt, tiết mục “Lý mười thương” (dân ca Huế) của huyện Ea Kar được khán giả đánh giá có chất lượng nghệ thuật, giàu tính biểu tượng. Với phần chuẩn bị khá kỹ về đạo cụ, hoạt cảnh, đơn vị Ea Kar đã khiến người xem tưởng tượng như mình đang được bồng bềnh du thuyền và nghe bài hát trên dòng Hương Giang. Khung cảnh mở đầu, một dải lụa màu xanh, trải dài phía trên là hình ảnh những cánh sen hồng đung đưa. Khi nữ diễn viên bước ra sân khấu, cất cao giọng hát, bên dưới dải lụa dịch chuyển kéo theo những cánh sen hồng đu đưa theo chiều gió, tạo cho người xem cảm giác dường như chiếc thuyền đang trôi trên sông nước, rất Huế. Hay như tiết mục “Người ơi người ở đừng về” (dân ca quan họ Bắc Ninh) do các liền anh, liền chị huyện Krông Năng thể hiện đã để lại nhiều xúc cảm đối với người nghe. Bài hát khi được cất lên nghe da diết như muốn níu kéo người nghe ở lại. Tình cảm của người hát với người nghe không chỉ thể hiện ở một câu hát, câu hò mà trong những câu dặn dò. Đến khi biết được rằng không thể níu kéo được người ở lại, thì câu hát chuyển sang một lời dặn, lời nhắn nhủ: "sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua"…
Các liền anh, liền chị đơn vị huyện Krông Năng thể hiện một bài dân ca  quan họ Bắc Ninh.
Các liền anh, liền chị đơn vị huyện Krông Năng thể hiện một bài dân ca quan họ Bắc Ninh.

Ở phần diễn tấu nhạc cụ dân tộc không chỉ là sự thi tài của những điệu Ayray, những nhịp chiêng của dàn chiêng Bih hay các điệu đing năm, đing pút của cộng đồng các dân tộc bản địa mà còn có những tiếng khèn, điệu sáo hay tiếng cồng được các nghệ nhân trẻ trình bày một cách nhuần nhuyễn. Liên hoan lần này còn có tiết mục kể Khan do nghệ nhân trẻ Y Who Knul (33 tuổi, ở buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) thể hiện, với bài kể trong trường ca “Mdrong Dam”. Theo Y Who Knul thì đoạn hát kể này đề cao tinh thần và nghị lực của chàng Mdrong Dam giúp dân làng vượt qua gian khó, từng bước xây dựng cuộc sống ấm no... Liên hoan ghi nhận nhiệt huyết của các nghệ nhân trẻ và các đội chiêng trẻ ở các buôn, làng. Tiêu biểu như đội cồng chiêng trẻ thị trấn Ea Drăng (huyện Ea H’leo); nhóm nghệ nhân Sêđăng, Vân Kiều ở xã Ea Yông (huyện Krông Pak); Nghệ nhân xã Cư Êbur, phường Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột), nhóm nghệ nhân nữ huyện Krông Ana... Ngoài ra, còn có nhiều tiết mục diễn tấu nhạc cụ dân tộc đặc sắc, gắn liền với đời sống, sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số phía Bắc di cư vào vùng đất Tây Nguyên còn lưu giữ. Đó là tiết mục độc tấu đàn T’rưng “Tiếng chim Pơ-rơ-tốc gọi mùa” của đơn vị TP. Buôn Ma Thuột; tiếng sáo Mông của 3 đơn vị là huyện Krông Năng, Krông Pak và Trường Cao đẳng Thanh niên dân tộc Tây Nguyên. Trong đó đặc sắc nhất phải kể đến tiết mục độc tấu sáo Mông “Mùa xuân trên bản Mông” của em Nguyễn Quốc Bảo (17 tuổi, học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Bội Châu, huyện Krông Năng) mang đến cho Liên hoan không khí vui tươi, rộn ràng. Khi nghe tiếng sáo cất lên cao vút, trong trẻo, người thưởng thức mường tượng như đang đứng ở một bản làng trên núi, giữa rừng hoa ban nở trắng xóa, dưới tiết trời mùa xuân ấm áp... Em Nguyễn Quốc Bảo là người dân tộc Kinh, cả bố và mẹ không ai đi theo con đường nghệ thuật nhưng với năng khiếu bẩm sinh cùng sự ham học hỏi đã đưa Bảo đến với cây sáo Mông. Quốc Bảo cho biết: “Con đường dẫn em đến với niềm đam mê sáo Mông là trong một lần xem tivi, được nghe tiếng sáo réo rắt em thấy rất thích nên tự tìm hiểu và mày mò học tập, từ đó càng học càng say mê. Mỗi khi có các chương trình văn nghệ của trường, của xã, em lại mạnh dạn tham gia. Em còn tự mình làm ra những chiếc sáo cho phù hợp”.

Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân - hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam - Chánh chủ khảo tại Liên hoan đánh giá: “Mỗi đội tham gia Liên hoan phải dàn dựng một chương trình nghệ thuật có đầy đủ các tiết mục: hát dân ca, độc tấu hoặc hòa tấu nhạc cụ dân tộc. Hầu hết các tiết mục tham dự đều có chủ đề rõ ràng, mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền, toát lên được vẻ đẹp của quê hương đất nước và con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kỹ thuật biểu diễn và khả năng thể hiện trên sân khấu các nghệ sĩ, diễn viên khá đồng đều. Nhiều tiết mục được dàn dựng công phu, phong cách biểu diễn sáng tạo, hấp dẫn, lôi cuốn người xem…

Anh Y Nhuần Byă, Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTNVN tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Liên hoan cho biết: “Liên hoan Thanh niên hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc tỉnh là hoạt động văn hóa nghệ thuật được tổ chức định kỳ 2 năm một lần nhằm tạo sân chơi lành mạnh giúp đoàn viên, thanh niên các địa phương trên địa bàn tỉnh được giao lưu, phát huy khả năng âm nhạc. Qua đó, góp phần khơi dậy trong đoàn viên, thanh niên tình yêu quê hương, đất nước; phát huy vai trò của tuổi trẻ trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc…”.

 Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.